Viện Nghiên Cứu Phật Học

 


QUYỂN  35

977. THI-BÀ THEO PHẬT XUẤT GIA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên Thi-bà đi đến chỗ Phật, ân cần thăm hỏi Thế Tôn xong rồi ngồi sang một bên và bạch:

_ Thưa Cù-đàm! Có Sa-môn, Bà-la-môn thấy như vầy, nói như vầy: “Con người có cảm thọ điều gì thì những cảm thọ đó đều do nhân đã tạo ra trong quá khứ. Nếu tu tập các khổ hạnh sẽ khiến cho nghiệp quá khứ sạch hết, không tạo thêm nghiệp mới, dứt các nhân duyên, ở đời sau không còn các lậu nữa. Vì các lậu đã sạch nên nghiệp sạch, nghiệp sạch nên khổ hết, khổ hết nên được vượt thoát khổ đau.” Nay Cù-đàm chủ trương như thế nào?

Đức Phật bảo Thi-bà:

_ Sa-môn, Bà-la-môn kia thật sự nói năng mơ hồ, chẳng hề suy xét, vô số mê mờ, không khéo léo, không phân biệt. Vì sao như thế? Vì chúng sanh biết được rằng, có những nỗi khổ phát sanh vì gió, hoặc phát sanh vì đàm, hoặc phát sanh vì dãi, hoặc phát sanh các thứ cùng lúc, hoặc do mình tự hại, hoặc bị kẻ khác hại, hoặc do thời tiết khí hậu vậy.

Tự hại nghĩa là hoặc nhổ tóc, hoặc nhổ râu, hoặc thường đứng giơ tay, hoặc ngồi xổm trên đất, hoặc nằm nơi bụi bặm, hoặc nằm trên chông gai, hoặc nằm trên cái chày, hoặc nằm trên tấm ván, hoặc nằm trên đất trét phân trâu, hoặc nằm trong vũng nước, hoặc mỗi ngày tắm ba lần, hoặc đứng co một chân, thân xoay theo mặt trời. Các việc khổ cực như thế mà họ lại cố gắng thực hành thì này Thi-bà, đó gọi là tự hại vậy.

Bị kẻ khác hại nghĩa là bị người khác dùng tay, hoặc đá, hoặc dao, hoặc gậy gây tổn hại thân mình. Đó gọi là bị kẻ khác hại vậy.

Này Thi-bà! Bị thời tiết làm hại như mùa đông quá lạnh, mùa xuân quá nóng, mùa hạ vừa quá nóng vừa quá lạnh, đây gọi là thời tiết làm hại. Những điều này có thật ở thế gian, chẳng phải hư vọng. Này Thi-bà! Thế gian có những sự thật này, như bị gió làm hại... (cho đến) bị thời tiết khí hậu làm hại và chúng sanh cảm nhận như thật những điều đó. Ông cũng từng gặp những tai họa như vầy, hoặc bị gió, bị đàm, bị dãi... (cho đến) bị thời tiết làm hại và ông cũng cảm nhận như thật về những việc đó.

Này Thi-bà! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào nói rằng: “Con người có cảm thọ điều gì thì những cảm thọ đó đều do nhân đã tạo ra trong quá khứ” thì họ đã bỏ qua những sự thật ở thế gian mà chạy theo cái thấy của mình rồi nói năng xằng bậy.

Này Thi-bà! Có năm nhân, năm duyên sanh tâm ưu khổ. Là năm nhân, năm duyên nào? Nhân tham dục trói buộc, duyên tham dục trói buộc nên sanh tâm ưu khổ. Nhân sân hận, thụy miên, trạo hối, nghi ngờ trói buộc nên sanh tâm ưu khổ; duyên sân hận, thụy miên, trạo hối, nghi ngờ trói buộc nên sanh tâm ưu khổ. Đó gọi là năm nhân, năm duyên sanh tâm ưu khổ vậy.

Này Thi-bà! Có năm nhân, năm duyên không sanh tâm ưu khổ. Là năm nhân, năm duyên nào? Nhân tham dục trói buộc, duyên tham dục trói buộc nên sanh tâm ưu khổ, nếu xa lìa sự trói buộc của tham dục ấy thì chẳng khởi tâm ưu khổ... Đây gọi là năm nhân, năm duyên không khởi tâm ưu khổ, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.[2]

Này Thi-bà! Pháp thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu thì đó chính là biết rõ Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến... (cho đến) chánh định.

Lúc Phật nói pháp này, tu sĩ ngoại đạo Thi-bà xa lìa trần cấu, được Pháp nhãn tịnh. Khi ấy, tu sĩ ngoại đạo Thi-bà thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, vượt mọi nghi ngờ, không nương nơi khác, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Thế rồi, Thi-bà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục rồi chắp tay bạch Phật:

_ Bạch Thế Tôn! Nay con có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo chăng?

Đức Phật bảo Thi-bà:

_ Nay ông được xuất gia... (nói như trên, cho đến) tâm hoàn toàn giải thoát,[3] chứng quả A-la-hán.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.977. 0252c12). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.211. 0452b04); S. 36.21 - IV. 230.

[2] Nguyên tác: Hiện pháp đắc ly xí nhiên, bất đãi thời tiết, thông đạt hiện kiến, duyên tự giác tri (現

法得離熾然, 不待時節, 通達現見, 緣自覺知). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).

[3] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.