Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 35

975. NGOẠI ĐẠO BỔ-LŨ-ĐÊ-CA (2)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo Bổ-lũ-đê-ca đi đến chỗ Phật, ân cần thăm hỏi Thế Tôn xong rồi ngồi sang một bên và bạch:

_ Thưa Cù-đàm! Hôm trước có số đông tu sĩ ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn tập hợp tại giảng đường Vị Tằng Hữu rồi cùng nhau bàn luận như vầy: “Trí tuệ của Sa-môn Cù-đàm như ngôi nhà trống, không thể ở giữa đại chúng kiến lập luận nghị: ‘Điều này nên, điều này không nên; điều này hợp, điều này không hợp.’ Như con bò mù chỉ lần theo bờ ruộng,[2] không thể vào giữa đám ruộng. Sa-môn Cù-đàm cũng như vậy, không biết điều gì nên hay không nên và cũng không biết điều gì hợp hay không hợp.” Đức Phật bảo Bổ-lũ-đê-ca:

_ Những luận bàn của các ngoại đạo về những điều “nên hay không nên, hợp hay không hợp” ấy, đối với giáo pháp và giới luật của bậc Thánh chỉ như trò đùa của con trẻ. Ví như người già tám, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng mà còn chơi trò trẻ con, lấy đất bùn nhào nặn ra các hình thù giống như con voi, con ngựa, đủ các hình loại. Mọi người đều nói: “Già quá hóa trẻ!” Cũng vậy, này Hỏa Chủng! Các thứ luận thuyết về “nên chẳng nên, hợp chẳng hợp” ấy, đối với giáo pháp và giới luật của bậc Thánh chỉ như trò đùa của trẻ con, ở trong đó không có điều gì cần thiết để Tỳ-kheo phải nỗ lực cả.

Bổ-lũ-đê-ca bạch Phật:

_ Thưa Cù-đàm! Những gì đáng cho Tỳ-kheo cần phải nỗ lực?

Đức Phật bảo ngoại đạo:

_ Những gì chưa thanh tịnh thì khiến cho thanh tịnh, đây là điều Tỳ-kheo cần nỗ lực. Những gì chưa điều phục thì khiến được điều phục, đây là điều Tỳkheo cần nỗ lực. Những gì chưa định tĩnh thì khiến được thể nhập chánh định, đây là điều Tỳ-kheo cần nỗ lực. Những gì chưa giải thoát thì khiến cho giải thoát, đây là điều Tỳ-kheo cần nỗ lực. Những gì chưa đoạn trừ thì khiến cho đoạn trừ, những gì chưa biết thì khiến cho được biết, những gì chưa tu thì khiến cho tu tập, những gì chưa chứng đắc thì khiến cho chứng đắc. Đây là những điều Tỳ-kheo cần nỗ lực.

Thế nào là chưa thanh tịnh thì khiến cho thanh tịnh? Nghĩa là giới chưa thanh tịnh thì khiến cho giới thanh tịnh.

Thế nào là chưa điều phục thì khiến được điều phục? Nghĩa là các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý chưa được điều phục thì khiến cho được điều phục. Đó gọi là những gì chưa điều phục thì khiến cho được điều phục.

Thế nào là chưa định tĩnh thì khiến được thể nhập chánh định? Nghĩa là tâm chưa chánh định thì khiến cho được chánh định.

Thế nào là chưa giải thoát thì khiến được giải thoát? Nghĩa là tâm chưa thoát khỏi tham dục, sân hận và ngu si thì khiến tâm được thoát khỏi chúng.

Thế nào là chưa đoạn thì khiến được đoạn trừ? Nghĩa là vô minh và hữu ái nếu chưa đoạn thì khiến cho đoạn trừ.

Thế nào là chưa biết thì khiến cho được biết? Nghĩa là đối với danh sắc nếu chưa biết thì khiến cho được biết.

Thế nào là chưa tu thì khiến cho tu tập? Nghĩa là đối với chỉ và quán nếu chưa tu thì khiến cho tu tập.

Thế nào là chưa chứng đắc khiến cho chứng đắc? Nghĩa là đối với Niết-bàn tối hậu nếu chưa chứng đắc thì khiến cho chứng đắc. Đây gọi là những điều Tỳ-kheo cần phải nỗ lực vậy.

Bổ-lũ-đê-ca bạch Phật:

– Thưa Cù-đàm! Điều lợi ích mà Tỳ-kheo cần nỗ lực, điều chắc chắn mà Tỳ-kheo cần nỗ lực, đó chính là đoạn tận phiền não vậy.

Bấy giờ, tu sĩ ngoại đạo Bổ-lũ-đê-ca nghe lời Phật dạy xong liền hoan hỷ và tùy hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.975. 0252a22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.209. 0451c11).

[2] Nguyên tác: Manh ngưu thiên hành biên bạn (盲牛偏行邊畔). Xem thêm, D. 25, Udumbarika Sutta (Kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống): Seyyathāpi nāma gokāṇā pariyantacārinī antamantāneva sevati. (Giống như con bò một mắt, chỉ đi quanh quẩn trong giới hạn một bên). Cú ngữ này được Tỳ-kheo Sujato dịch là: He’s just like the nilgai antelope, circling around and lurking on the periphery (Ông ta chỉ như con linh dương đầu bò, chỉ đi quanh quẩn trong giới hạn ẩn nấp của nó). Tán-đà-na kinh 散陀那經 (T.01. 0001.8. 0047b14): Giống như con bò chột mắt ăn cỏ, chỉ gặm một bên theo những gì nó thấy (猶如瞎牛食草, 偏逐所見).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.