Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 35

974. NGOẠI ĐẠO BỔ-LŨ-ĐÊ-CA (1)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Khi ấy, Thế Tôn vì Xá-lợi-phất thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến Tôn giả hoan hỷ.[2] Sau khi thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến Tôn giả hoan hỷ rồi, đức Phật an trú tĩnh lặng.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe lời Phật dạy xong đã được hoan hỷ và tùy hỷ, liền lạy sát chân Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên là Bổ-lũ-đê-ca[3] đang đi trên đường, bỗng gặp Tôn giả Xá-lợi-phất nên hỏi rằng:

_ Tôn giả từ đâu đến đây?

Xá-lợi-phất đáp:

_ Này Hỏa Chủng![4] Tôi ở chỗ Thầy của tôi, nghe Đại sư thuyết giảng pháp và truyền dạy pháp xong rồi đến đây.

Bổ-lũ-đê-ca hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Đến nay Tôn giả cũng chưa dứt sữa, vẫn còn nghe thầy thuyết giảng pháp, truyền dạy pháp ư?

Xá-lợi-phất đáp:

_ Này Hỏa Chủng! Tôi không dứt sữa, vẫn theo Đại sư nghe Ngài thuyết giảng pháp, truyền dạy pháp.

Bổ-lũ-đê-ca nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

_ Tôi đã dứt sữa từ lâu, không còn ở chỗ thầy của mình để nghe giảng dạy giáo pháp nữa.

Xá-lợi-phất nói:

_ Pháp của ông là pháp và luật phi lý, mang tư tưởng tà vạy, chẳng phải là pháp giải thoát, chẳng phải là đạo giác ngộ, là pháp tổn hại, là pháp không đáng tán thán, là pháp chẳng thể nương tựa. Lại nữa, vị thầy kia không phải là bậc Đẳng Chánh Giác. Cho nên, các ông hãy mau mau dứt sữa, rời xa giáo pháp của vị thầy ấy.

Ví như bò mẹ hung dữ cuồng dại, lại còn ít sữa thì nghé con bú sữa ấy rất mau chán bỏ. Cũng vậy, đối với pháp và luật phi lý, mang tư tưởng tà vạy, chẳng phải là pháp giải thoát, chẳng phải đạo giác ngộ, là pháp tổn hại, là pháp không đáng tán thán, là pháp chẳng thể nương tựa và đối với vị thầy không phải là bậc Đẳng Chánh Giác thì hãy mau rời bỏ pháp mà vị thầy ấy truyền dạy.

Pháp mà tôi đang có là Giáo pháp và Giới luật mang tư tưởng thiện lành, là pháp giải thoát, là đạo giác ngộ, là pháp không gây tổn hại, là pháp đáng để tán thán, là pháp đáng để nương tựa. Lại nữa, Đại sư của tôi là bậc Đẳng Chánh Giác. Bởi thế lâu nay tôi vẫn uống sữa ấy, vẫn nghe và lãnh thọ Giáo pháp và Giới luật mà Ngài giảng giải, truyền dạy.

Ví như bò mẹ không hung dữ cuồng dại, lại có nhiều sữa thì nghé con được bú sữa dài lâu và không hề chán ngán. Pháp của tôi cũng như thế, là pháp chân chánh... (cho đến) vẫn nghe và lãnh thọ giáo pháp mà Ngài giảng giải, truyền dạy.

Khi ấy, Bổ-lũ-đê-ca nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Các ông mau chóng có được lợi ích tốt đẹp ở trong Giáo pháp và Giới luật... (cho đến) vẫn nghe và lãnh thọ giáo pháp mà Ngài giảng giải, truyền dạy.

Bấy giờ, tu sĩ ngoại đạo Bổ-lũ-đê-ca nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong liền hoan hỷ và tùy hỷ rồi theo đường mà đi.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.974. 0251c22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.208. 0451b09).

[2] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).

[3] Bổ-lũ-đê-ca (補縷低迦), có khả năng được dịch từ tên vị Bà-la-môn Puthuladdhika, từng xuất hiện trong Dīpavaṃsa.

[4] Hỏa Chủng (火種, Aggivessana). Aggivessana là tên riêng của một dòng họ Bà-la-môn, vì tôn trọng Bổ-lũ-đê-ca nên Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ dùng tên dòng họ mà không gọi bằng tên riêng (theo DPPN).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.