Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 35
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Tôn giả A-nan cũng ở trú xứ đó.
Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên là Chiên-đà13 đi đến chỗ Tôn giả A-nan, ân cần thăm hỏi nhau xong rồi ngồi sang một bên và hỏi:
_ Vì lý do gì mà Tôn giả theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu hành Phạm hạnh?
Tôn giả A-nan đáp:
_ Vì muốn đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si nên tôi theo Sa-môn Cùđàm xuất gia tu hành Phạm hạnh.
Chiên-đà lại hỏi:
_ Sa-môn Cù-đàm có thể nói về đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si chăng?
Tôn giả A-nan đáp:
_ Tôi cũng có thể nói về đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si.
Chiên-đà lại hỏi:
_ Tôn giả thấy tham dục, sân hận và ngu si có tai hại gì mà lại nói về đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si vậy?
Tôn giả A-nan đáp:
_ Nhiễm trước tham dục khiến tâm bị che lấp nên sẽ tự hại, hoặc hại người, hoặc hại cả hai; hiện đời mắc tội, đời sau mắc tội, hiện đời lẫn đời sau đều mắc tội; tâm thường lo âu, cảm thấy buồn khổ. Nếu bị sân hận che mờ, ngu si che mờ sẽ tự hại, hoặc hại người, hoặc hại cả hai... (cho đến) tâm thường lo âu, cảm thấy buồn khổ.
Lại nữa, tham dục làm cho mê muội, làm cho mù quáng, làm cho vô trí, làm cho tuệ lực yếu kém, khiến bị chướng ngại, không được sáng suốt, không thể tỉnh giác, không hướng Niết-bàn. Sân hận, ngu si cũng lại như thế. Tôi thấy tham dục, sân hận, ngu si có những tai hại như thế nên nói về đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si.
Chiên-đà lại hỏi:
_ Tôn giả thấy đoạn tham dục, sân hận và ngu si có phước lợi gì mà nói về đoạn trừ các thứ này vậy?
Tôn giả A-nan đáp:
_ Đoạn tham dục rồi thì không tự hại, cũng không hại người, cũng không hại cả hai; hiện đời không mắc tội, đời sau không mắc tội, hiện đời lẫn đời sau đều không mắc tội; tâm thường vui vẻ, cảm thấy hạnh phúc. Sân hận, ngu si cũng lại như thế. Lại nữa, được sống trong pháp, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.[3] Vì thấy có công đức và lợi ích như thế nên tôi nói về đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si.
Chiên-đà lại hỏi:
_ Thưa Tôn giả A-nan! Có con đường nào, có phương pháp nào để tu tập và tu tập thuần thục rồi thì có thể đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si chăng?
Tôn giả A-nan đáp:
_ Thưa có! Đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến... (cho đến) chánh định.
Ngoại đạo Chiên-đà thưa với Tôn giả A-nan:
_ Đây là con đường hiền thiện, đây là phương pháp hiền thiện, nếu tu tập và tu tập thuần thục rồi thì có thể đoạn trừ tham dục, sân hận và ngu si.
Bấy giờ, ngoại đạo Chiên-đà nghe Tôn giả A-nan nói xong liền hoan hỷ và tùy hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.973. 0251b20). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02.
[2] .207. 0451a11); A. 3.71 - I. 215. 13 Chiên-đà (栴陀, Channa).
[3] Nguyên tác: Ư hiện pháp trung, thường ly xí nhiên, bất đãi thời tiết, hữu đắc dư hiện pháp, duyên tự giác tri kiến (於現法中, 常離熾然, 不待時節, 有得餘現法, 緣自覺知見). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.