Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 35
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có số đông tu sĩ Bà-la-môn trú bên hồ Tu-ma-kiệt-đà, tụ tập lại một chỗ rồi bàn luận như vầy: “Đây là chân lý[2] của Bà-la-môn, đây là chân lý của Bà-la-môn.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết được tâm niệm của các tu sĩ Bà-la-môn, Ngài liền đi đến bên hồ Tu-ma-kiệt-đà. Các tu sĩ Bà-la-môn từ xa trông thấy đức Phật đi tới, liền trải sàng tọa, thỉnh Phật an tọa. Đức Phật ngồi xuống xong, hỏi các tu sĩ Bà-la môn rằng:
_ Các ông tụ họp bên hồ Tu-ma-kiệt-đà này để bàn luận về điều gì?
Tu sĩ Bà-la-môn bạch Phật:
_ Thưa Cù-đàm! Các tu sĩ Bà-la-môn chúng tôi tụ họp nơi đây rồi cùng bàn luận như vầy: “Đây là chân lý của Bà-la-môn, đây là chân lý của Bà-la-môn.” Phật bảo các tu sĩ Bà-la-môn:
_ Có ba chân lý của Bà-la-môn mà Ta tự mình giác ngộ, thành Đẳng Chánh Giác rồi diễn giảng cho người khác. Tu sĩ Bà-la-môn các ông nói rằng: “Không hại tất cả chúng sanh, đây là chân lý của Bà-la-môn, chẳng phải hư vọng.” Thế mà các ông lại nói với người khác rằng: “Tôi hơn”, hoặc nói “tôi bằng”, hoặc nói “tôi kém.” Đối với chân lý ấy mà không dính mắc, không chấp trước, đối với tất cả thế gian thường biểu hiện lòng từ thì đây gọi là chân lý thứ nhất của Bà-la-môn mà Ta đã tự mình giác ngộ, thành Đẳng Chánh Giác rồi diễn giảng cho người khác.
Lại nữa, Bà-la-môn nói như vầy: “Những pháp gì do sự tập khởi thì những pháp đó đều phải tiêu vong. Đây là chân lý, chẳng phải hư vọng”... (cho đến) đối với chân lý ấy mà không dính mắc, không chấp trước, đối với tất cả thế gian thường quán sát sự sanh diệt thì đây gọi là chân lý thứ hai của Bà-la-môn.
Lại nữa, Bà-la-môn nói như vầy: “Không có ngã ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ vật nào, hoàn toàn không có.[3] Không có ngã ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ vật nào, hoàn toàn không có, đây là chân lý, chẳng phải hư vọng”... (nói như trên, cho đến) đối với chân lý ấy mà không dính mắc, không chấp trước, đối với tất cả thế gian đều vô ngã như nhau thì đây gọi là chân lý thứ ba của Bà-la-môn mà Ta đã tự mình giác ngộ, thành Đẳng Chánh Giác rồi diễn giảng cho người khác.
Bấy giờ, các tu sĩ Bà-la-môn đều im lặng.
Thế Tôn nghĩ rằng: “Hôm nay, Ta soi sáng sự mê mờ của họ, tiêu diệt sự tệ hại giúp họ, thế mà trong chúng Bà-la-môn này không có một người nào tự biết suy xét, không có một ai muốn tạo nhân duyên để tu hành Phạm hạnh ở trong pháp của Sa-môn Cù-đàm.”
Biết như thế rồi, Thế Tôn liền rời khỏi tòa rồi ra đi.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.972. 0251a20). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.206. 0450c05); A. 4.185 - II. 176.
[2] Chân đế (真諦, sacca): Chân lý, sự thật.
[3] Nguyên tác: Vô ngã xứ sở cập sự đô vô sở hữu. (無我處所及事都無所有). Tham chiếu: A. 4.185 - II. 176: Nāham kvacani kassaci kiñcana tasmiṃ na ca mama kvacani katthaci kiñcana tatthi (Ta không là bất cứ ai, bất cứ thuộc ai, bất cứ là gì. Trong ấy, không có cái gì được gọi là của ta, bất cứ ở đâu, bất cứ là gì), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.