Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 35

991. ƯU-BÀ-DI LỘC TRỤ (2)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật an cư mùa mưa tại ấp Lưu-lợi, trong thành Di của họ Thích.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo an cư mùa mưa tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳđà, thuộc nước Xá-vệ. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo kia đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực rồi lần lượt đi đến nhà ưu-bà-di Lộc Trụ. Từ xa trông thấy Tỳ-kheo đi đến, ưu-bà-di Lộc Trụ vội vàng sửa soạn chỗ ngồi rồi mời Tỳ-kheo ngồi... (nói đầy đủ như kinh 990 ở trên).

Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nói với ưu-bà-di Lộc Trụ:

_ Này cô, hãy thôi đi! Cô không thể biết được căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian.

Nói như vậy xong, Tỳ-kheo liền đứng dậy ra về. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia an cư ba tháng mùa mưa đã mãn, y cũng may xong, liền đắp y, ôm bát đi đến ấp Lưulợi, thành Di của họ Thích. Đến nơi, Tỳ-kheo cất y bát, rửa chân xong, liền đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và đem những điều đàm luận giữa mình với ưu-bà-di Lộc Trụ trình lên Thế Tôn.

Phật bảo Tỳ-kheo:

_ Ưu-bà-di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian. Chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian mà thôi.

Đối với những người chẳng lìa sân hận, kiêu mạn, khi pháp tham khởi lên, không lắng nghe và tiếp nhận giáo pháp, không học hỏi đa văn, đối với pháp không điều phục kiến chấp nên thường không thể khởi tâm giải thoát.

Này Tỳ-kheo! Nếu lại có người cũng không lìa sân hận, kiêu mạn, nhưng khi pháp tham khởi lên, người ấy chịu nghe pháp, tu học đa văn, khéo điều phục kiến chấp đối với pháp nên thường có thể khởi tâm giải thoát. Từ việc ấy mà suy xét: “Người này có pháp như vậy, người kia có pháp như vậy, nhất định họ sẽ cùng đi đến một chỗ, cùng thọ sanh như nhau và đời sau cũng giống nhau.” Với suy lường như vậy nên người này không thấu đạt nghĩa lý, không được lợi ích, mãi mãi chịu khổ.

Như vậy, này Tỳ-kheo! Đối với người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, không tiếp nhận giáo pháp, không tu học đa văn, đối với pháp không điều phục kiến chấp nên không thể đạt được tâm giải thoát, Ta nói người này là kẻ kém cỏi, thấp hèn.

Và này Tỳ-kheo! Còn với người tuy không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, nhưng người ấy chịu nghe pháp, thích tu học đa văn, khéo điều phục kiến chấp nên thường đạt được tâm giải thoát, Ta nói người này là thắng diệu bậc nhất.

Giữa hai người này, nếu chẳng phải là Như Lai thì ai có thể phân biệt và biết rõ được? Thế nên, này Tỳ-kheo! Chớ nên so sánh người này với người kia... (cho đến) chỉ có Như Lai mới có thể biết căn tánh hơn kém của chúng sanh.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu lại có người không lìa sân hận, kiêu mạn, luôn khởi pháp tham, miệng thường nói lời ác... (còn lại như kinh số 990 đã nói).

Lại nữa, nếu có người hiền thiện, an vui, thích thân cận sống chung với người tu Phạm hạnh có trí tuệ, nhưng người kia chẳng thích nghe pháp... (cho đến) không thể đạt được tâm giải thoát nên biết người này chỉ trụ nơi đất hiền thiện, nhưng không thể thăng tiến. Đất hiền thiện là chỉ cho cõi trời, cõi người.

Lại nữa, có người căn tánh hiền thiện, sống chung với mọi người rất an vui, thích kết bạn với người tu Phạm hạnh, ưa nghe Chánh pháp, học tập đa văn, khéo điều phục kiến chấp nên thường đạt được tâm giải thoát. Nên biết người này ở chỗ hiền thiện và có thể thăng tiến, nên biết người này có đủ khả năng vào dòng Chánh pháp.

Giữa hai người này, nếu chẳng phải là Như Lai thì ai có thể phân biệt, biết rõ được? Thế nên, Tỳ-kheo! Chớ nên so sánh người này với người kia. Nếu so sánh người này với người kia sẽ chuốc lấy tai họa, vì chỉ có Như Lai mới có thể biết rõ căn tánh của con người trong thế gian mà thôi.

Này Tỳ-kheo! Ưu-bà-di Lộc Trụ vì ít học, thiếu hiểu biết... (nói đầy đủ như kinh số 990 ở trên).

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.991. 0258a27). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.990. 0257b26); A. 6.44 - III. 347; A. 10.75 - V. 137.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.