Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 35
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vào sáng sớm, Tôn giả A-nan đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ tuần tự khất thực, lần hồi đến nhà ưu-bà-di Lộc Trụ.[3] Từ xa trông thấy Tôn giả A-nan, ưu-bà-di Lộc Trụ vội vàng sửa soạn chỗ ngồi rồi mời Tôn giả A-nan an tọa.
Sau đó, ưu-bà-di Lộc Trụ lạy sát chân Tôn giả rồi đứng sang một bên và thưa với A-nan rằng:
_ Cha của con là Phú-lan-na[4] trước kia tu Phạm hạnh, lìa dục, thanh tịnh, không đắm trước hương hoa, xa lìa những thứ thô tục. Còn chú của con là Lêsư-đạt-đa[5] không tu Phạm hạnh, nhưng ông sống biết đủ. Cả hai đều đã qua đời và được Thế Tôn xác quyết rằng cả hai người cùng sanh một nơi, thọ sanh như nhau, đời sau cùng đắc quả Tư-đà-hàm, được sanh về cõi trời Đâu-suất, chỉ còn một lần trở lại thế gian rồi sẽ vượt thoát khổ đau. Vậy thì làm sao nói Thế Tôn biết pháp? Thưa Tôn giả A-nan! Tại sao người tu Phạm hạnh và người không tu Phạm hạnh lại cùng sanh một nơi, thọ sanh như nhau và đời sau cũng giống nhau được?
Tôn giả A-nan đáp:
_ Này cô, hãy thôi đi! Cô không thể biết được căn tánh sai biệt của chúng sanh trong thế gian, nhưng Như Lai biết rõ căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian.
Nói xong, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.
Sau đó, Tôn giả A-nan trở về tinh xá, cất y bát, rửa sạch chân, đến chỗ Phật lạy sát chân Ngài rồi ngồi một bên và đem những lời của ưu-bà-di Lộc Trụ trình lên Thế Tôn.
Phật bảo A-nan:
_ Ưu-bà-di Lộc Trụ làm sao có thể biết được căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian. A-nan! Như Lai đã biết rõ căn tánh hơn kém của chúng sanh trong thế gian. Này A-nan! Hoặc có người phạm giới, người ấy đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát không biết như thật và lỗi từng phạm giới của người ấy đã diệt sạch hoàn toàn, mất hẳn không còn gì, dục hết sạch hoàn toàn.
Hoặc có người phạm giới, người kia đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát biết như thật và lỗi phạm giới của người kia cũng đã diệt sạch hoàn toàn, mất hẳn không còn gì, dục hết sạch hoàn toàn.
Đối với hai người đó, có người nhận định như vầy: “Người này có điều như vậy, người kia cũng có điều như vậy, thế thì họ phải cùng sanh một chỗ, thọ sanh như nhau và đời sau cũng giống nhau.” Người nào nhận định như thế sẽ mãi khổ sở và không được lợi ích.
Này A-nan! Nếu người phạm giới mà đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát không biết như thật và lỗi từng phạm giới ấy đã diệt sạch hoàn toàn, mất hẳn không còn gì, dục hết sạch hoàn toàn, nên biết người này thoái chuyển, chẳng phải thăng tiến. Ta nói người này thuộc hạng thoái chuyển.
A-nan! Nếu người phạm giới mà đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát biết như thật và lỗi từng phạm giới ấy đã diệt sạch hoàn toàn, mất hẳn không còn gì, dục hết sạch hoàn toàn, nên biết người này thăng tiến, không thoái chuyển, Ta nói người này thuộc hạng thăng tiến.
Nếu chẳng phải Như Lai thì ai có thể biết rõ khoảng cách giữa hai người ấy? Vì thế, này A-nan! Chớ nên đánh giá người này người kia mà chuốc lấy phiền, chớ nên đánh giá người này người kia mà rước lấy bệnh, chớ nên đánh giá người này người kia mà tự chiêu lấy tai họa. Chỉ có Như Lai mới có khả năng biết rõ con người mà thôi.
Như với hai người phạm giới, với hai người trì giới cũng như vậy. Người ấy đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát không biết như thật và sự từng trì giới ấy đã diệt không còn sót...
Hoặc với người trạo cử, người ấy đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát không biết như thật và sự trạo cử từng khởi ấy đã diệt không còn sót...
Hoặc với người sân hận, người ấy đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát không biết như thật và sự sân hận từng khởi ấy đã diệt không còn sót...
Hoặc với người rất tham, người ấy đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát biết như thật và sự rất tham từng khởi ấy đã diệt hết không còn sót...
Ô nhiễm, thanh tịnh... (cũng nói như trên, cho đến)... Chỉ có Như Lai mới có khả năng biết rõ con người mà thôi.
Này A-nan! Ưu-bà-di Lộc Trụ mê mờ kém trí. Như Lai thuyết pháp nhất hướng mà tâm cô ta còn sanh hoài nghi. Thế nào, A-nan? Như Lai có thuyết pháp hai hướng không?
Tôn giả A-nan thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Không có.
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
_ Lành thay! Lành thay! Như Lai thuyết pháp hai hướng, đó là điều không thể xảy ra. Này A-nan! Giả sử Phú-lan-na trì giới, Lê-sư-đạt-đa cũng trì giới, nhưng với nơi sẽ thọ sanh về thì Phú-lan-na không thể biết được Lê-sư-đạt-đa sẽ sanh về nơi nào, thọ sanh như thế nào, đời sau như thế nào.
Giả sử Lê-sư-đạt-đa thành tựu trí tuệ, Phú-lan-na cũng thành tựu trí tuệ, nhưng Lê-sư-đạt-đa cũng không thể biết được Phú-lan-na sẽ sanh về nơi nào, thọ sanh như thế nào, đời sau như thế nào.
Này A-nan ! Giả sử Phú-lan-na trì giới hơn, Lê-sư-đạt-đa trí tuệ hơn, hai người đều qua đời, Ta nói hai người ấy cùng sanh một nơi, thọ sanh như nhau, đời sau cũng đều đắc quả Tư-đà-hàm, sanh lên cõi trời Đâu-suất, chỉ một lần trở lại nơi này rồi sẽ vượt thoát khổ đau.
Sự sai biệt giữa hai người này, nếu chẳng phải Như Lai, ai có thể biết được? Vì thế, A-nan! Chớ nên so sánh người này người kia. Nếu cứ so sánh người này người kia như thế thì chỉ tự gây ra tổn hại. Chỉ có Như Lai mới có khả năng biết rõ con người mà thôi.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.