Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 35

971. NGOẠI ĐẠO THƯỢNG TỌA[1]


Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên là Thượng Tọa6 đang trú bên hồ Tu-ma-kiệt- đà[2] trong thành Vương Xá. Ở giữa đồ chúng của mình, ông tuyên bố: “Ta nói một bài kệ, nếu ai có thể đáp lại thì ta sẽ theo vị ấy tu hành Phạm hạnh.”

Lúc đó, vào sáng sớm, có số đông Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực, nghe có ngoại đạo xuất gia tên là Thượng Tọa trú bên hồ Tu-ma- kiệt-đà, ở giữa đồ chúng nói rằng: “Ta nói một bài kệ, nếu ai có thể đáp lại thì ta sẽ theo vị ấy tu hành Phạm hạnh.” Các Tỳ-kheo khất thực xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa sạch chân, đến chỗ đức Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Bạch Thế Tôn! Sáng sớm nay, Tỳ-kheo chúng con vào thành khất thực, nghe có tu sĩ ngoại đạo tên Thượng Tọa trú bên hồ Tu-ma-kiệt-đà, ở giữa đồ chúng nói rằng: “Ta nói một bài kệ, nếu ai có thể đáp lại được thì ta sẽ theo vị ấy tu hành Phạm hạnh.” Cúi xin Thế Tôn rủ lòng thương xót mà đích thân đi đến chỗ người ấy!

Thế Tôn im lặng nhận lời. Sau giờ tọa thiền buổi chiều, đức Phật đi đến bên hồ Tu-ma-kiệt-đà. Tu sĩ ngoại đạo Thượng Tọa từ xa trông thấy Thế Tôn liền trải chỗ ngồi, thỉnh Phật an tọa. Thế Tôn ngồi xuống rồi nói với tu sĩ ngoại đạo Thượng Tọa:

– Có phải ông đã nói như vầy: “Ta nói một bài kệ, nếu ai có thể đáp lại thì ta sẽ theo vị ấy tu hành Phạm hạnh” chăng? Bây giờ, ông hãy nói kệ, Ta có thể đáp lại.

Khi ấy, tu sĩ ngoại đạo kia chất nhiều giường dây lên thành tòa cao rồi lên ngồi trên đó và nói kệ:

Tỳ-kheo sống đúng pháp,
Không quấy nhiễu chúng sanh,
Tâm lặng, hành xả ly,
Trì giới, thuận tĩnh lặng.

Thế Tôn biết rõ tâm của ngoại đạo Thượng Tọa, liền nói kệ:

Với bài kệ vừa nói,
Ông có thể hướng theo,
Ta sẽ đối với ông,
Xem như người thiện lành.
Nhưng xét lời ông nói,
Nói, làm chẳng tương ưng,
Tĩnh lặng, tự điều phục,
Không quấy nhiễu chúng sanh.
Tâm hành lặng viễn ly,
Người giữ gìn tịnh giới,
Thuận điều phục, tĩnh lặng,
Thân, miệng, ý lìa ác.
Khéo nhiếp nơi trụ xứ,
Không để cho buông lung,
Đó gọi là tùy thuận,
Điều phục và tĩnh lặng.

Khi ấy, tu sĩ ngoại đạo Thượng Tọa nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta”, ngay khi đó ông liền rời khỏi tòa cao, chắp tay bạch Phật:

– Nay con có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo chăng?

Đức Phật bảo ngoại đạo Thượng Tọa:

– Nay ông có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo.

Khi đó, ngoại đạo Thượng Tọa được xuất gia. Sau khi trở thành Tỳ-kheo rồi, vị ấy thường tư duy về mục đích của người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, có niềm tin chân chánh, rời khỏi gia đình, xuất gia học đạo... (cho đến) tâm hoàn toàn giải thoát,[3] đắc quả A-la-hán.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.971. 0250c09). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.205. 0450a23).

[2] Xem chú thích 2, kinh số 970, quyển 35, tr. 1054; Tạp. 雜 (T.02. 0099.970. 0250a19).

[3] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.