Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 35

985. ÁI (2)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có khi từ ái sanh ái, hoặc từ ái sanh giận, hoặc từ giận sanh ái, hoặc từ giận sanh giận.

Thế nào là từ ái sanh ái? Có người phát sanh tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với một người và người này56 cũng được người khác phát sanh tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng. Do liên hệ này,[2] người đầu tiên suy nghĩ: “Ta có tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với người này. Người khác cũng có tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với người này. Vì vậy, ta đối với người khác ấy lại sanh yêu mến.” Đây gọi là từ ái sanh ái.[3]

Thế nào là từ ái sanh giận? Có người phát sanh tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với một người và người này lại không được người khác ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng. Do liên hệ này, người đầu tiên suy nghĩ: “Ta có tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với người này, nhưng người khác lại không ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với người này. Vì vậy, ta khởi lên giận hờn với người khác ấy.” Đây gọi là từ ái sanh giận.

Thế nào là từ giận sanh ái? Có người không có tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với một người và người này lại bị người khác không ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng. Do liên hệ này, người đầu tiên sẽ sanh tình cảm ưa thích với người khác ấy.[4] Đây gọi là từ giận sanh ái vậy.

Thế nào là từ giận sanh giận? Có người không có tình cảm ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng với một người và người này lại được người khác ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng. Do liên hệ này, người đầu tiên suy nghĩ: “Ta không ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng người này, nhưng mà người này lại được người khác ưa thích, thương mến, nhớ nghĩ, hài lòng. Vì lẽ đó nên đối với người khác ấy ta khởi lên giận hờn.” Đây gọi là từ giận sanh giận vậy.

Nếu Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, có giác có quán... (cho đến) an trú trọn vẹn Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư thì khi ấy, từ ái sanh ái, từ giận sanh giận, từ giận sanh ái, từ ái sanh giận, tất cả đều đã đoạn, đã biết, đoạn tuyệt gốc rễ của chúng như chặt đứt ngọn cây đa-la, không thể mọc lại, ở đời tương lai trở thành pháp bất sanh.

Nếu Tỳ-kheo sạch hết các hữu lậu, được vô lậu, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, hiện đời tự biết, tự chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh” thì chính ngay lúc ấy không bị lôi cuốn, không kháng cự, không tung bụi, không đốt cháy, không hiềm người.[5]

Thế nào là bị lôi cuốn? Thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, sắc trong ngã, ngã trong sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là bị lôi cuốn.

Thế nào là không bị lôi cuốn? Không thấy sắc là ngã, sắc khác ngã, sắc trong ngã, ngã trong sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Đó gọi là không bị lôi cuốn.

Thế nào là kháng cự? Đối với người mắng chửi thì mắng chửi lại, đối với người sân hận thì sân hận lại, đối với người đánh đuổi thì đánh đuổi lại, đối với người xúc phạm thì xúc phạm lại. Đó gọi là kháng cự.

Thế nào là không kháng cự? Đối với người mắng chửi thì không mắng chửi lại, đối với người sân hận thì không sân hận lại, đối với người đánh đuổi thì không đánh đuổi lại, đối với người xúc phạm thì không xúc phạm lại. Đó gọi là không kháng cự.

Thế nào là tung bụi? Có ngã, ngã dục cho đến mười tám loại ái hành. Đây gọi là tung bụi.

Thế nào là không tung bụi? Không có ngã, không có ngã dục cho đến mười tám loại ái hành không khởi. Đây gọi là không tung bụi.

Thế nào là đốt cháy? Có ngã sở, ngã sở dục cho đến mười tám loại ái hành bên ngoài. Đây gọi là đốt cháy.

Thế nào là không đốt cháy? Không có ngã sở, không có ngã sở dục cho đến không có mười tám loại ái hành bên ngoài. Đây gọi là không đốt cháy.

Thế nào gọi là hiềm người? Thấy ngã là chân thật, đối với ngã dục, ngã mạn, ngã sử không đoạn, không biết. Đây gọi là hiềm người.

Thế nào là không hiềm người? Không thấy ngã là chân thật, đối với ngã dục, ngã mạn, ngã sử đã đoạn, đã biết. Đây gọi là không hiềm người.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.985. 0256b08). Tham chiếu: A. 4.200 - II. 213. 56 Nguyên tác: Bỉ (彼). Để văn phong trôi chảy nên đã thay thế về ngôi, thứ cho vài đại từ nhân xưng ở bản kinh này.

[2] Nguyên tác: Tùy hành (隨行).

[3] Biểu đạt tóm tắt cho quan hệ trên là: Người thứ nhất thương người thứ hai. Người thứ hai được người thứ ba thương. Sau đó, người thứ nhất lại thương luôn cả người thứ ba này. Các trường hợp thương-giận về sau cũng tương tự như vậy. Tâm lý học hiện đại gọi trường hợp này là “quy luật lây lan.”

[4] Tức là sanh tình cảm đối với những ai không ưa người mà mình không ưa (thương kẻ thù của kẻ thù).

[5] Bất tự cử, bất hoàn cử, bất khởi trần, bất xí nhiên, bất hiềm bỉ (不自舉, 不還舉, 不起塵, 不熾然, 不嫌彼). Tham chiếu: A. 4.200 - II. 213: Neva usseneti na paṭisseneti na dhūpāyati na pajjalati na sampajjhāyati (Không bị lôi cuốn, không bị kháng cự, không bị xông khói, không bốc cháy, không khô cằn).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.