Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 35

984. ÁI (1)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Ta sẽ nói ái[2] là tấm lưới, là keo dính, là dòng suối, là rễ sen. Những thứ này có thể khiến chúng sanh bị ngăn ngại, che lấp, dính chặt, giữ chặt, che phủ, đóng kín, lấp kín, tối tăm, rối loạn như ruột chó, như cỏ rối, như tơ vò từ đời này sang đời khác, từ đời khác đến đời này, lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng.

Này các Tỳ-kheo! Tại sao ái là tấm lưới, là keo dính... (cho đến) lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng?

Do vì có ngã nên mới có “tôi tồn tại”, “tôi muốn như thế”, “tôi đúng như thế”, “tôi luôn hiện hữu”, “tôi bị biến hoại”, “tôi không như thế”, “tôi sẽ tồn tại”, “tôi sẽ không tồn tại”, “tôi muốn phải như thế”, “đúng ra tôi phải như thế”, “đúng ra tôi không phải như thế”, “tôi mong sẽ như thế”, “tôi mong sẽ đúng là như thế”, “tôi mong sẽ không đúng như thế”, “tôi sẽ trở thành”, “tôi sẽ trở thành như thế”, “tôi sẽ là cái này hoặc sẽ là cái khác”, “tôi sẽ không là cái này hoặc là cái khác.” Đây là mười tám ái hành khởi lên từ bên trong.[3]

Tỳ-kheo! Do nói “có ngã” nên với những thứ đang có mà nói “tôi muốn là như thế”, “tôi đúng là như thế”... (cho đến) mười tám ái hành từ bên ngoài khởi lên. Như vậy, tổng cộng có mười tám ái hành.

Như vậy là có ba mươi sáu ái hành, hoặc khởi lên từ quá khứ, hoặc khởi lên ở tương lai, hoặc khởi lên ở hiện tại. Như thế, tổng cộng gồm một trăm lẻ tám ái hành. Đó chính là ái, là tấm lưới, là keo dính, là dòng suối, là rễ sen. Những thứ này có thể khiến chúng sanh bị ngăn ngại, che lấp, dính chặt, giữ chặt, che phủ, đóng kín, lấp kín, tối tăm, rối loạn như ruột chó, như cỏ rối, như tơ vò, từ đời này sang đời khác, từ đời khác đến đời này, lưu chuyển qua lại, không lúc nào ngừng.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.984. 0256a17). Tham chiếu: A. 4.199 - II. 211.

[2] Ái (愛, piya).

[3] Thập bát ái hành: Hữu ngã, dục ngã, nhĩ ngã, hữu ngã, vô ngã, dị ngã, đương ngã, bất đương ngã, dục ngã, đương nhĩ thời, đương dị dị ngã, hoặc dục ngã, hoặc nhĩ ngã, hoặc dị, hoặc nhiên, hoặc dục nhiên, hoặc nhĩ nhiên, hoặc dị (十八愛行: 有我, 欲我, 爾我, 有我, 無我, 異我, 當我, 不當我, 欲我, 當爾時, 當異異我, 或欲我, 或爾我, 或異, 或然, 或欲然, 或欲然, 或爾然, 或異). Tham chiếu: A. 4.199 - II. 211:

‘“Ta có mặt’, thời có những ý nghĩ: ‘Ta có mặt trong đời này’; ‘Ta có mặt như vậy’; ‘Ta có mặt khác như vậy’; ‘Ta không phải thường hằng’; ‘Ta là thường hằng’; ‘Ta phải có mặt hay không?’; ‘Ta phải có mặt trong đời này?’; ‘Ta phải có mặt như vậy’; ‘Ta phải có mặt khác như vậy’; ‘Mong rằng ta có mặt’; ‘Mong rằng ta có mặt trong đời này’; ‘Mong rằng ta có mặt như vậy’; ‘Mong rằng ta có mặt khác như vậy’; ‘Ta sẽ có mặt’; ‘Ta sẽ có mặt trong đời này’; ‘Ta sẽ có mặt như vậy’; ‘Ta sẽ có mặt khác như vậy’. Có mười tám ái hành này liên hệ với nội tâm” (HT. Thích Minh Châu dịch).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.