Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 35

980. NIỆM TAM BẢO[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hành trong nhân gian ở nước Bạt-kỳ, rồi đến nước Tỳ-xá-ly và ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu.

Bấy giờ, ở nước Tỳ-xá-ly này có nhiều khách buôn đang chuẩn bị hành lý, sắp đi đến nước Đát-sát-thi-la.39 Nghe tin Thế Tôn du hành nhân gian từ nước Bạt-kỳ đến nước Tỳ-xá-ly, đang ngụ tại giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, các khách buôn này liền đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, đức Phật vì họ mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ.[2] Sau khi đã thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến các khách buôn hoan hỷ rồi, đức Phật an trú tĩnh lặng.

Khi ấy, các khách buôn từ chỗ ngồi đứng lên, chỉnh sửa y phục, cung kính đảnh lễ rồi chắp tay thưa rằng:

_ Bạch Thế Tôn! Chúng con là những khách buôn đang sửa soạn hành lý, sắp đi đến nước Đát-sát-thi-la. Cúi xin Thế Tôn cùng đại chúng sáng mai thọ nhận cúng dường của chúng con!

Thế Tôn im lặng nhận lời.

Các khách buôn biết Thế Tôn đã nhận lời cầu thỉnh, liền đứng dậy đảnh lễ Phật, rồi mỗi người trở về nhà, sửa soạn đầy đủ đồ ăn thức uống thơm ngon, tinh khiết, xếp đặt giường ghế, bày biện nước sạch. Sáng sớm hôm sau, họ sai người đến cung thỉnh: “Bạch Thế Tôn! Đã đến giờ!”

Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng đắp y, ôm bát đến chỗ các khách buôn, rồi ngồi xuống ghế. Các khách buôn đem đồ ăn thức uống thơm ngon, thanh khiết tự tay dâng lên cúng dường. Sau khi đã ăn xong, rửa bát rồi, các khách buôn liền lấy ghế thấp ngồi xuống trước mặt đại chúng để nghe Phật thuyết pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các khách buôn:

_ Các ông khi đi qua những nơi hoang vắng, nếu có những lo sợ đến nỗi kinh hãi rợn người, lúc ấy nên niệm Phật như vầy: Đức Như Lai là bậc Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Niệm như thế rồi, mọi sự sợ hãi đều được tiêu trừ.

Lại niệm Pháp như vầy: Giáo pháp Thế Tôn, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.[3]

Lại niệm Tăng như vầy: Tăng là đệ tử của Thế Tôn, là bậc hướng về chân chánh, hướng theo chân lý... (cho đến) là ruộng phước thế gian. Niệm như thế rồi, mọi sự sợ hãi đều được tiêu trừ.

Như ở thời quá khứ, mỗi khi trời và a-tu-la đánh nhau, vua trời Đế-thích bảo các chúng trời rằng: “Trong lúc các ông chiến đấu với a-tu-la, nếu sanh khởi sợ hãi, hãy nhớ nghĩ đến ngọn cờ của ta, gọi là ngọn cờ chế phục. Khi nhớ nghĩ đến ngọn cờ này, mọi sự sợ hãi đều được tiêu trừ. Nếu không nhớ nghĩ đến ngọn cờ của ta, hãy nhớ nghĩ đến ngọn cờ của thiên tử Y-xá-na. Nếu không nhớ nghĩ đến ngọn cờ của thiên tử Y-xá-na thì nên nhớ nghĩ đến ngọn cờ của thiên tử Bà-lưuna. Khi nhớ nghĩ đến những ngọn cờ ấy thì mọi [sự] sợ hãi liền được tiêu trừ.” Cũng vậy! Này các khách buôn! Các ông lúc đi qua nơi hoang vắng, nếu có nhiều điều lo sợ, hãy nên niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Cúng dường Tỳ-kheo-tăng,
Thức ăn, uống tùy thời,
Chuyên niệm, chánh tư duy,
Hành xả, theo chánh trí.
Tịnh vật, ruộng phước tốt,
Các ông đều đầy đủ,
Nhờ công đức lợi này,
Ngày đêm được an lạc.
Khởi tâm mong cầu gì,
Các lợi đều ứng ngay,
Người, vật thảy an ổn,
Đường sá qua lại tốt.
Đêm an, ngày cũng an,
Xa lìa mọi điều ác,
Như ruộng đất màu mỡ,
Thường chăm sóc vun tưới,
Tịnh giới là ruộng phước,
Hạt giống thật ngọt ngon.
Cùng tùy thuận chánh hạnh,
Trọn thành tựu diệu quả,
Thế nên người bố thí,
Muốn cầu đủ công đức.
Hãy hành theo trí tuệ,
Tự nhiên đủ các quả,
Với bậc Minh Hạnh Túc,
Chánh tâm, rất cung kính.
Vun trồng các gốc lành,
Trọn được phước lợi lớn,
Biết như thật thế gian,
Chánh kiến được đầy đủ.
Chánh đạo thấy vẹn toàn,
Hoàn toàn được thăng tiến,
Xa lìa mọi trần cấu,
Chóng đắc đạo Niết-bàn,
Vượt thoát mọi khổ đau,
Gọi là đủ công đức.

Bấy giờ, Thế Tôn vì các khách buôn ở Tỳ-xá-ly mà nói bài kệ tùy hỷ cúng dường như sau:

Sau khi Thế Tôn vì các khách buôn ở Tỳ-xá-ly mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho họ hoan hỷ rồi, Ngài rời khỏi chỗ ngồi rồi ra đi.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. (雜) (T.02. 0099.980. 0254c02). Tham chiếu: A. 8.34 - IV. 237. 39 Đát-sát-thi-la (怛剎尸羅, Takkasilā), một quốc gia giàu có và cường thịnh ở phía Bắc Ấn Độ trong thời đức Phật.

[2] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).

[3] Nguyên tác: Hiện pháp năng ly xí nhiên, bất đãi thời tiết, thông đạt thân cận, duyên tự giác tri (現法

能離熾然, 不待時節, 通親近見, 緣自覺知). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.