Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 35
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật nghỉ giữa hai cây sa-la, trong rừng Kiên Cố,[2] trú xứ của dòng họ Lực Sĩ,[3] thuộc nước Câu-di-na-kiệt.[4]
Bấy giờ, Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn. Ngài bảo Tôn giả A-nan:
_ Thầy hãy trải giường dây giữa hai cây sa-la, đầu hướng về phía Bắc. Vào giữa đêm nay, Như Lai sẽ nhập Vô dư Niết-bàn.
Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, sau khi trải giường dây giữa hai cây sa-la, đầu hướng về phía Bắc xong, lạy sát chân Phật rồi đứng qua một bên và thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Con đã trải giường dây giữa hai cây sa-la, đầu hướng về phía Bắc rồi.
Thế Tôn liền đến bên cây sa-la, nằm trên giường dây, đầu quay về hướng Bắc, nghiêng hông bên phải, hai chân xếp chồng lên nhau, buộc niệm vào ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác.
Bấy giờ, trong nước Câu-di-na-kiệt có tu sĩ ngoại đạo tên là Tu-bạt-đà-la,35 tuổi đã một trăm hai mươi, các căn suy yếu, được người trong nước Câu-di-nakiệt cung kính cúng dường như một bậc A-la-hán. Tu sĩ ngoại đạo Tu-bạt-đà-la nghe Thế Tôn giữa đêm nay sẽ nhập Vô dư Niết-bàn, liền nghĩ: “Ta có điều hoài nghi, hy vọng Sa-môn Cù-đàm còn đủ sức để khai ngộ cho ta. Nay ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để thưa hỏi điều hoài nghi.” Ngay khi ấy, Tu-bạt-đà-la liền ra khỏi thành Câu-di-na-kiệt, đi đến chỗ Thế Tôn.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang kinh hành ngoài cổng vườn, Tu-bạt-đà-la đi đến thưa với Tôn giả:
_ Tôi nghe nói Sa-môn Cù-đàm vào giữa đêm nay sẽ nhập Vô dư Niết-bàn, tôi đang có điều hoài nghi, hy vọng Sa-môn Cù-đàm còn đủ sức để khai ngộ giúp tôi. Phiền Tôn giả A-nan hãy vì tôi mà vào thưa với Sa-môn Cù-đàm, xin dành chút ít thời gian để giải đáp nghi vấn giúp tôi.
Tôn giả A-nan đáp:
_ Chớ làm phiền Thế Tôn! Ngài đang rất mệt.
Tu-bạt-đà-la ba lần nài nỉ A-nan, Tôn giả vẫn ba phen từ chối.
Tu-bạt-đà-la lại nói:
_ Tôi nghe các bậc Đại sư kỳ cựu nói rằng, lâu thật lâu mới có đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian, như hoa Ưu-đàm-bát vậy. Trong đêm nay, Như Lai sẽ nhập Niết-bàn, thế nhưng đối với pháp, tôi vẫn còn có chỗ hoài nghi, với lòng thành kính, tôi mong rằng Sa-môn Cù-đàm đủ sức giúp tôi khai ngộ. Vậy phiền Tôn giả hãy giúp tôi mà thưa lại với Sa-môn Cù-đàm.
Tôn giả A-nan lại đáp:
_ Này Tu-bạt-đà-la! Chớ làm phiền Thế Tôn. Hôm nay, Ngài mệt lắm!
Khi ấy, bằng thiên nhĩ, Thế Tôn nghe được những lời qua lại giữa A-nan và Tu-bạt-đà-la, liền bảo A-nan:
_ Đừng ngăn tu sĩ ngoại đạo Tu-bạt-đà-la! Hãy cho ông ấy vào thưa hỏi những điều còn hoài nghi. Vì sao như thế? Vì đây là lần sau cùng Ta luận nghị với tu sĩ ngoại đạo. Đây là vị “Thiện lai Tỳ-kheo”, vị đệ tử cuối cùng được chứng quả, đó chính là Tu-bạt-đà-la.
Bấy giờ, Tu-bạt-đà-la được Thế Tôn khai mở căn lành, vui mừng vô hạn, liền đến chỗ Thế Tôn ân cần thăm hỏi, ngồi sang một bên rồi bạch Phật:
_ Thưa Cù-đàm! Trong cõi đời này có sáu vị Tôn sư như Phú-lan-na Cadiếp... mỗi người tự lập tông như vầy: “Đây là Sa-môn! Đây là Sa-môn!” Thế nào, thưa Cù-đàm? Có thật là trong mỗi giáo phái của các vị ấy đều có tôn chỉ như thế chăng?
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Từ năm hai chín tuổi,
Xuất gia tu thiện đạo,
Thành đạo đến ngày nay,
Trải hơn năm mươi năm.
Tam-muội, minh hạnh đủ,
Thường tu tập tịnh giới,
Lìa đây, mất đạo quả,
Ngoài đây, không Sa-môn.
Rồi Phật bảo Tu-bạt-đà-la:
_ Trong Giáo pháp và Giới luật, người không thành tựu Thánh đạo tám chi thì cũng không chứng đắc quả Sa-môn thứ nhất, cũng không chứng quả Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư.[5] Này Tu-bạt-đà-la! Ở trong Pháp và Luật này, ai thành tựu Thánh đạo tám chi thì người đó chứng đắc quả Sa-môn thứ nhất, chứng quả Sa-môn thứ hai, thứ ba, thứ tư. Ngoài đây ra, ở nơi ngoại đạo không có Sa-môn, tức là các bậc thầy của các đạo giáo kia cũng chỉ là những Sa-môn, Bà-la-môn trống rỗng! Bởi thế, hôm nay ở giữa đại chúng Ta mới rống lên như tiếng rống của loài sư tử vậy.
Lúc đức Phật nói pháp này, tu sĩ ngoại đạo Tu-bạt-đà-la xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Khi ấy, Tu-bạt-đà-la thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thể nhập giáo pháp, vượt khỏi nghi ngờ, không nương ai khác mà khởi lòng tin, không nương nơi khác mà được độ thoát, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Khi ấy, Tu-bạt-đà-la từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, gối phải quỳ sát đất, thưa với Tôn giả A-nan:
_ Tôn giả đã được lợi ích tốt đẹp, Tôn giả có bậc Đại sư chân chánh, Tôn giả được làm đệ tử của bậc Đại sư ấy, được mưa pháp của Đại sư rưới lên đỉnh đầu. Ngày nay, nếu con được ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo, cũng sẽ được lợi ích tốt đẹp như vậy.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn! Tu sĩ ngoại đạo Tu-bạt-đà-la nay xin ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo.
Khi ấy, Thế Tôn bảo Tu-bạt-đà-la:
_ Thiện lai Tỳ-kheo! Hãy đến đây tu hành Phạm hạnh.
Ngay lúc ấy, Tôn giả Tu-bạt-đà-la liền được xuất gia, liền được thọ giới Cụ túc, liền trở thành Tỳ-kheo. Vị ấy tư duy như vầy... (cho đến) tâm hoàn toàn giải thoát,[6] đắc quả A-la-hán.
Khi Tôn giả Tu-bạt-đà-la đắc quả A-la-hán, biết rõ đã được an lạc, giải thoát rồi, liền suy nghĩ: “Ta không nỡ nhìn Phật nhập Niết-bàn, ta nay sẽ nhập diệt trước.” Nghĩ thế rồi, Tôn giả Tu-bạt-đà-la liền nhập diệt trước, sau đó Thế Tôn mới nhập Niết-bàn.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.979. 0253c24). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.213. 0453b18); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.110. 0413a27); Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0011a07); D. 16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Ðại Bát-niết-bàn).
[2] Nguyên tác: Kiên Cố song thọ lâm (堅固雙樹林), còn gọi là Sa-la lâm (沙羅林, Sālavana): Rừng cây sa-la. Cây sa-la là một loài thực vật thân gỗ, có tên khoa học là Vatica Robusta hoặc Shorea Robusta, là một loại cây thiêng trong văn hóa Ấn Độ. Theo Đại Bát-niết-bàn kinh nghĩa ký 大般涅槃經義記 (T.37. 1764.1. 0617b19), loài cây này mùa đông, mùa hạ đều không thay đổi nên gọi là rừng Kiên Cố (冬夏不改, 名堅固林). Tuy nhiên, theo Nhất thiết kinh âm nghĩa 一切經音義 (T.54. 2128.23. 0451a12), Sa-la, Trung Hoa dịch là cao rộng, vì rừng Sa-la tươi tốt um tùm, cây mọc thẳng đứng, vượt hơn cả những khu rừng khác. Đời xưa dịch kiên cố là sai, bởi vì âm Sa-la (娑羅, Sāla) cùng với âm Bà-la (婆羅, Bala) có dạng thức gần giống nhau (娑羅者此云高遠以其林木森端出於餘林之上也. 舊翻云堅固者誤由娑羅之與婆羅聲勢相近). Theo PED, bala có nghĩa là sức mạnh, uy quyền, tương tự như nghĩa kiên cố.
[3] Nguyên tác: Lực Sĩ (力士, Mallā): Trú xứ của bộ tộc Mạt-la (末羅, Mallā). Người Mallā giỏi đấu vật nên Hán dịch là Lực Sĩ (力士).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.