Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 35

970. NGOẠI ĐẠO XÁ-LA-BỘ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Lúc ấy, bên hồ Tu-ma-kiệt-đà,[2] có tu sĩ ngoại đạo tên là Xá-la-bộ3 ở giữa đồ chúng của mình tuyên bố rằng: “Pháp của Sa-môn họ Thích ta đều biết. Trước đây ta từng biết Pháp và Luật kia, nhưng sau đó từ bỏ hết.”

Bấy giờ, vào sáng sớm, có số đông Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực, nghe ngoại đạo Xá-la-bộ đang trú bên hồ Tu-ma-kiệt-đà tuyên bố giữa đồ chúng của mình: “Sa-môn họ Thích có pháp gì ta đều biết hết. Trước đây ta từng biết Pháp và Luật kia, nhưng sau đó từ bỏ hết.” Nghe những lời này rồi, các Tỳ-kheo sau khi khất thực xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa sạch chân, đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Sáng sớm nay, chúng con đắp y, ôm bát vào thành Vương Xá khất thực, nghe tu sĩ ngoại đạo Xá-la-bộ trú bên hồ Tu-ma-kiệt-đà, ở giữa đồ chúng của mình tuyên bố rằng: “Pháp của Sa-môn họ Thích ta đều biết. Trước đây ta từng biết Pháp và Luật kia, nhưng sau đó từ bỏ hết.” Lành thay! Xin Thế Tôn vì thương xót Xá-la-bộ mà hãy đích thân đến bên hồ Tu-ma-kiệt-đà kia.

Khi ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Lúc xế chiều, sau giờ tọa thiền, Ngài đi đến chỗ của Xá-la-bộ cạnh hồ Tu-ma-kiệt-đà. Bấy giờ, tu sĩ ngoại đạo Xá-la-bộ từ xa trông thấy Thế Tôn đi đến, liền trải tọa cụ, thỉnh Phật ngồi. Thế Tôn an tọa xong, liền hỏi Xá-la-bộ:

_ Có phải ông đã nói như vầy: “Sa-môn họ Thích có Pháp và Luật gì ta đều biết hết. Trước đây ta từng biết Pháp và Luật kia, nhưng sau đó từ bỏ hết” chăng?

Xá-la-bộ im lặng không đáp. Đức Phật bảo Xá-la-bộ:

_ Bây giờ, ông hãy nói đi, sao lại im lặng? Nếu ông biết đầy đủ thì Ta tùy hỷ, nếu ông biết chưa đầy đủ thì Ta sẽ giúp ông được đầy đủ.

Xá-la-bộ vẫn im lặng như cũ. Đức Phật nói đến lần thứ hai, lần thứ ba, Xála-bộ vẫn cứ im lặng.

Bấy giờ, Xá-la-bộ có một đệ tử Phạm hạnh thưa với Xá-la-bộ rằng:

_ Thưa thầy! Đáng lý thầy nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm trình bày sự thấy biết của mình, nhưng nay Sa-môn Cù-đàm đã đích thân đến đây rồi thì sao thầy lại không nói gì? Sa-môn Cù-đàm cũng đã nói với thầy rằng: “Nếu ông biết đầy đủ thì Ta tùy hỷ, nếu ông biết chưa đầy đủ thì Ta sẽ giúp ông được đầy đủ.” Vì cớ sao thầy lại im lặng mà không nói gì?

Được người đệ tử Phạm hạnh khuyên như thế, nhưng Xá-la-bộ vẫn im lặng. Lúc ấy, Thế Tôn nói với Xá-la-bộ:

_ Khi có người nói: “Sa-môn Cù-đàm chẳng phải là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác” thì Ta khéo can ngăn, khéo chất vấn. Khi Ta khéo can ngăn, khéo chất vấn thì người kia nói lảng sang chuyện khác, hoặc phẫn nộ bực tức, ngạo mạn tráo trở, chống đối không cam chịu, không biết cách thể hiện, hoặc cúi đầu im lặng xấu hổ, âm thầm suy xét, giống như Xá-la-bộ hôm nay vậy.

Lại có người nói như vầy: “Chẳng có Sa-môn Cù-đàm, chẳng có Giáo pháp và Giới luật.” Khi Ta khéo can ngăn, khéo chất vấn thì người kia cũng đứng lặng yên, như ông hôm nay vậy.

Lại có người nói: “Đệ tử Sa-môn Cù-đàm chẳng có ai hướng về nẻo lành”,[3] Ta bèn khéo can ngăn, khéo chất vấn thì người ấy cũng đứng lặng thinh, như ông hôm nay vậy.

Bấy giờ, bên hồ Tu-ma-kiệt-đà, Thế Tôn đã rống lên tiếng rống sư tử rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Lúc ấy, đệ tử Phạm hạnh của Xá-la-bộ nói với Xá-la-bộ rằng:

_ Ví như con bò bị cắt đứt hai sừng, chạy vào trong chuồng, khuỵu xuống đất rồi rống to; thầy cũng như thế, lúc không có Sa-môn Cù-đàm thì thầy mới ở trong chúng đệ tử rống tiếng sư tử.

Ví như đàn bà mà muốn nói giọng đàn ông, khi cất tiếng lên ai cũng biết là tiếng đàn bà; thầy cũng như thế, lúc không có Sa-môn Cù-đàm thì thầy mới ở trong chúng đệ tử rống tiếng sư tử.

Ví như dã can mà muốn kêu tiếng chồn, khi cất tiếng vẫn là tiếng dã can; thầy cũng như thế, lúc không có Sa-môn Cù-đàm thì thầy mới ở trong chúng đệ tử rống tiếng sư tử.

Bấy giờ, đệ tử Phạm hạnh của Xá-la-bộ đối trước Xá-la-bộ thốt ra những lời trách cứ, hủy báng như vậy rồi, liền rời chỗ ngồi mà bỏ đi.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh: Tạp. 雜 (T.02. 0099.970. 0250a19). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.204. 0449b28); A. 3.64 - I. 185.

[2] Tu-ma-kiệt-đà (須摩竭陀, Sumāgadhā), theo DPPN, đây là tên gọi của một hồ sen gần thành Vương Xá (Rājagaha). Gần hồ này có khu vườn của Hoàng hậu Udumbarikā, trong đó xây dựng tinh xá hiến cúng cho các du sĩ khổ hạnh gọi là Paribbājakārāma. 3 Xá-la-bộ (舍羅步, Sarabha).

[3] Nguyên tác: Thiện hướng (善向), là thể rút gọn của thiện hướng, chánh hướng, trực hướng, đẳng hướng (善向, 正向, 直向, 等向), bậc hướng về nẻo lành (suppaṭipanna), hướng về chân chánh (ujuppaṭipanna), hướng theo chân lý (ñāyappaṭipanna), hướng đến thích hợp (sāmīcippaṭipanna).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.