Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

Quyển 34

948. KIẾP SỐ DÀI LÂU[1]

 
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Chúng sanh từ vô thỉ đến nay mãi trôi lăn trong đêm dài sanh tử, không biết đâu là cội nguồn của khổ đau.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, đảnh lễ đức Phật, gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Một kiếp dài bao lâu?

Phật nói với Tỳ-kheo ấy:
– Ta có thể vì thầy giảng nói, nhưng thầy khó có thể biết được.

Tỳ-kheo bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Ngài có thể nói một ví dụ được không?

Đức Phật nói:
– Có thể được, này Tỳ-kheo! Ví như có thành bằng sắt, vuông vức một dotuần, trên dưới cũng như vậy. Bên trong thành chứa đầy hạt cải. Cứ một trăm năm mới có người đến lấy đi một hạt cải và cứ lấy như vậy cho đến khi số hạt cải kia hết sạch mà một kiếp vẫn chưa hết.

Cũng vậy, này Tỳ-kheo! Kiếp dài lâu như vậy đó. Trong một kiếp dài như vậy, chúng sanh luân hồi trong các đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ phải chịu trăm, ngàn, vạn, ức nỗi khổ đau cùng cực nối tiếp nhau, xương chất thành núi, máu chảy thành sông. Đó gọi là từ vô thỉ mãi luân hồi sanh tử, không biết đâu là cội nguồn của khổ.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy phải siêng năng tinh tấn đoạn trừ các hữu, không cho tăng trưởng. Hãy nên học như vậy!

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.948. 0242b16). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.341. 0487c06); Tăng. 增 (T.02. 0125.52.3. 0825b16); S. 15.6 - II. 182.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.