Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 34
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên là Trường Trảo[2] đi đến chỗ Phật, sau khi ân cần thăm hỏi Thế Tôn xong liền ngồi sang một bên rồi bạch:
_ Thưa Cù-đàm! Tôi không chấp nhận mọi quan điểm.[3]
Đức Phật bảo Hỏa Chủng:[4]
_ Ông nói rằng: “Tôi không chấp nhận mọi quan điểm”, vậy quan điểm này của ông, ông cũng không chấp nhận luôn chăng?
Ngoại đạo Trường Trảo nói:
_ Lúc nãy tôi đã nói “không chấp nhận mọi quan điểm” thì quan điểm này của tôi, tôi cũng không chấp nhận.
Đức Phật bảo Hỏa Chủng:
_ Biết như thế, thấy như thế rồi thì quan điểm này đã được đoạn, đã được xả, đã được lìa và những quan điểm khác chẳng còn tương tục, chẳng khởi, chẳng sanh. Này Hỏa Chủng! Nhiều người cũng có quan điểm như ông, nhiều người cũng thấy như vậy, cũng nói như vậy, ông cũng giống như họ mà thôi. Này Hỏa Chủng! Nếu Sa-môn, Bà-la-môn chịu xả bỏ các quan điểm của mình và các quan điểm khác không sanh thì những Sa-môn, Bà-la-môn này rất ít có ở thế gian.
Này Hỏa Chủng! Có ba quan điểm. Là ba quan điểm nào? Thứ nhất, có người thấy như vầy, nói như vầy: “Tôi chấp nhận tất cả.” Thứ hai, lại có người thấy như vầy, nói như vầy: “Tôi không chấp nhận tất cả.” Thứ ba, lại có người thấy như vầy, nói như vầy: “Tôi chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần.”
Này Hỏa Chủng! Nếu nói “chấp nhận tất cả” thì quan điểm này cùng sanh với tham, chẳng phải không tham; cùng sanh với sân, chẳng phải không sân; cùng sanh với si, chẳng phải không si; ràng buộc, chẳng lìa ràng buộc, phiền não, chẳng thanh tịnh, ưa chấp thủ, sanh nhiễm trước.
Nếu thấy như vầy: “Tôi không chấp nhận tất cả” thì quan điểm này không cùng sanh với tham, với sân, với si; thanh tịnh, không phiền não, lìa ràng buộc, không vướng víu, không ưa chấp thủ, không sanh nhiễm trước.
Này Hỏa Chủng! Nếu thấy như vầy: “Ta chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần” thì phần người đó chấp nhận sẽ có tham... (cho đến) sanh nhiễm trước; phần không chấp nhận sẽ lìa tham... (cho đến) không sanh nhiễm trước.
Vị Thánh đệ tử đa văn nên học thế này: “Nếu ta thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta chấp nhận tất cả’ sẽ bị hai hạng người chỉ trích rồi bị gạn hỏi. Là hai hạng người nào? Đó là hạng người ‘không chấp nhận tất cả’ và hạng người ‘chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần.’ Bị hai hạng người trên chỉ trích, chỉ trích rồi thì gạn hỏi, gạn hỏi rồi thì đả phá. Do quan điểm bị chỉ trích, bị gạn hỏi, bị đả phá nên phải xả bỏ quan điểm đó, các quan điểm khác lại không sanh nữa. Như vậy là đoạn quan điểm, xả quan điểm, lìa quan điểm, các quan điểm khác không còn tương tục, không khởi, không sanh nữa.
Vị Thánh đệ tử đa văn nên học thế này: “Nếu ta thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta không chấp nhận tất cả’ sẽ bị hai hạng người chỉ trích, gạn hỏi. Là hai hạng người nào? Đó là hạng người ‘chấp nhận tất cả’ và hạng người ‘chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần.’ Bị hai hạng người trên chỉ trích, chỉ trích rồi thì gạn hỏi...” (cho đến) không còn tương tục, không khởi, không sanh nữa.
Vị Thánh đệ tử đa văn nên học thế này: “Nếu ta thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta chấp nhận phần này, không chấp nhận phần kia’ sẽ bị hai hạng người chỉ trích, gạn hỏi. Là hai hạng người nào? Đó là hạng người ‘chấp nhận tất cả’ và hạng người ‘không chấp nhận tất cả.’ Bị hai hạng người trên chỉ trích, chỉ trích rồi thì gạn hỏi... ” (cho đến) không còn tương tục, không khởi, không sanh.
Lại nữa, Hỏa Chủng! Sắc thân này do bốn đại thô phù tạo thành, vị Thánh đệ tử nên quán vô thường, quán sanh diệt, quán lìa dục, quán diệt tận, quán xả. Nếu Thánh đệ tử luôn quán vô thường, quán sanh diệt, quán lìa dục, quán diệt tận, quán xả thì đối với thân này vị ấy hoàn toàn diệt sạch sự ham muốn thân, nhớ tưởng thân, yêu thích thân, nhiễm trước thân, dính mắc thân.
Này Hỏa Chủng! Có ba loại cảm thọ. Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc và cảm thọ không khổ không lạc. Ba loại cảm thọ này do cái gì làm nhân, do cái gì tập khởi, do cái gì sanh, do cái gì làm hiện hữu?[5] Ba loại cảm thọ này do xúc làm nhân, do xúc tập khởi, do xúc sanh, do xúc hiện hữu. Mỗi mỗi xúc tập khởi thì thọ tập khởi; mỗi mỗi xúc diệt thì thọ diệt, vắng lặng, thanh lương, hoàn toàn dứt sạch. Người kia đối với ba loại cảm thọ biết rõ khổ, biết rõ lạc, biết rõ không khổ không lạc. Đối với mỗi thọ ấy đều biết đúng như thật về sự tập khởi, sự diệt mất, vị ngọt, sự tai hại, sự thoát ly. Đã biết như thật rồi liền đối với thọ ấy quán vô thường, quán sanh diệt, quán lìa dục, quán diệt tận, quán xả. Người kia ngay nơi giới hạn của thân biết như thật các cảm thọ, ngay nơi giới hạn của mạng biết như thật các cảm thọ. Khi lâm chung, ngay lúc ấy tất cả thọ hoàn toàn diệt mất, không còn gì nữa. Người ấy suy nghĩ rằng: “Khi biết cảm thọ lạc, thân mình cũng hoại; khi biết cảm thọ khổ, thân mình cũng hoại; khi biết cảm thọ không khổ không lạc, thân mình cũng hoại; như vậy thảy đều thoát khổ.” Ngay lúc biết lạc thì lìa ràng buộc, không bị trói buộc; ngay lúc biết khổ thì lìa ràng buộc, không bị trói buộc; ngay lúc biết không khổ không lạc thì lìa ràng buộc, không bị trói buộc. Lìa ràng buộc gì? Lìa tham dục, sân hận, ngu si; lìa sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não. Ta nói những điều này gọi là lìa khổ vậy.
Trong lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất mới thọ giới Cụ túc khoảng nửa tháng, đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật, liền suy nghĩ như vầy: “Đối với mỗi mỗi pháp, Thế Tôn đều khen ngợi việc đoạn dục, lìa dục, diệt tận dục và xả dục.” Thế rồi, Tôn giả Xá-lợi-phất liền ngay nơi mỗi mỗi pháp mà quán vô thường, quán sanh diệt, quán lìa dục, quán diệt tận, quán xả, không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Bấy giờ, tu sĩ ngoại đạo Trường Trảo xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Tu sĩ ngoại đạo Trường Trảo thấy pháp, đắc pháp, biết rõ giáo pháp, thể nhập giáo pháp, vượt khỏi nghi hoặc, không nương nơi khác mà được độ thoát, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Thế rồi, Trường Trảo từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, đảnh lễ đức Phật, chắp tay bạch rằng:
_ Con xin được ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, ở trong Phật pháp tu các Phạm hạnh.
Đức Phật bảo ngoại đạo xuất gia Trường Trảo:
_ Ông được phép ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo.
Ngay khi đó Trường Trảo liền được xuất gia, là bậc “Thiện lai Tỳ-kheo!” Sau khi xuất gia rồi, Trường Trảo thường tư duy về mục đích khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, sống không gia đình, xuất gia học đạo... (cho đến) tâm hoàn toàn giải thoát,[6] chứng quả A-la-hán.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Trường Trảo nghe lời Phật dạy thảy đều hoan hỷ phụng hành.77
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.969. 0249a29). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.203. 0449a04); M. 74, Dīghanakha Sutta (Kinh Trường Trảo).
[2] Trường Trảo (長爪, Dīghanakha): Người để móng tay dài.
[3] Nguyên tác: Nhất thiết kiến bất nhẫn (一切見不忍, sabbaṃ me na khamati): Tôi không chấp nhận tất cả. Quan điểm của chủ nghĩa hoài nghi, một trong 6 phái ngoại đạo.
[4] Hỏa Chủng (火種, Aggivessana). Theo DPPN, Aggivessana là tên riêng của một dòng họ Bà-la-môn, vì tôn trọng Trường Trảo nên đức Phật chỉ dùng tên dòng họ mà không gọi tên riêng.
[5] Xem chú thích 22 , kinh số 291, quyển 12, tr. 346; Tạp. 雜 (T.02. 0099.291. 0082a28).
[6] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Trong Tạp A-hàm, cú ngữ này còn được viết là “chánh giải thoát” (正解脫, sammāvimutta), chỉ cho việc giải thoát hoàn toàn (sammā). Trong Chú giải Kinh Gilāna (Gilānasuttavaṇṇanā), ngài Buddhaghosa giải thích rằng, “tâm thiện giải thoát” chính là quả giải thoát của bậc A-la-hán (Arahattaphalavimuttiyā vimuttacittassa). 77 Bản Hán, hết quyển 34.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.