Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 34

968. CẤP CÔ ĐỘC THUYẾT PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc mỗi ngày thường đến viếng thăm Thế Tôn, lễ kính cúng dường. Lần nọ, trưởng giả nghĩ thầm: “Hôm nay, ta đến quá sớm, có lẽ Thế Tôn và các Tỳ-kheo chưa xả thiền, vậy ta nên ghé qua trú xứ của các ngoại đạo trước.”

Thế rồi, trưởng giả đi vào tinh xá ngoại đạo, sau khi cùng các ngoại đạo ân cần thăm hỏi nhau xong, liền ngồi sang một bên. Khi ấy, có ngoại đạo hỏi:

_ Trưởng giả! Ông thường thăm viếng Sa-môn Cù-đàm, vậy Cù-đàm thấy thế nào, thấy những gì?

Trưởng giả đáp:

_ Tôi cũng chẳng biết Thế Tôn thấy thế nào, Thế Tôn thấy những gì.

Các ngoại đạo lại hỏi:

_ Ông thường gặp gỡ chúng Tăng, vậy chúng Tăng thấy thế nào? Chúng Tăng thấy những gì?

Trưởng giả đáp:

_ Tôi cũng chẳng biết chúng Tăng thấy thế nào, chúng Tăng thấy những gì.

Ngoại đạo lại hỏi:

_ Trưởng giả! Nay ông tự thấy như thế nào? Tự thấy những gì?

Trưởng giả đáp:

_ Các ông mỗi người hãy nói chỗ thấy của mình, rồi tôi sẽ nói chỗ thấy của tôi, cũng chẳng khó gì.

Khi đó, có một ngoại đạo nói như vầy:

_ Trưởng giả! Tôi thấy tất cả thế gian là thường hằng, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Lại có người nói:

_ Trưởng giả! Tôi thấy tất cả thế gian là vô thường, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Lại có người nói:

_ Trưởng giả! Thế gian vừa thường vừa vô thường, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Lại có người nói:

_ Thế gian chẳng phải thường chẳng phải vô thường, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Lại có người nói:

_ Thế gian là hữu biên, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Lại có người nói:

_ Thế gian là vô biên, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Lại có người nói:

_ Thế gian vừa hữu biên vừa vô biên.

Lại có người nói:

_ Thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên.

Lại có người nói:

_ Mạng tức là thân.

Lại có người nói:

_ Mạng khác thân khác.

Lại có người nói:

_ Sau khi chết Như Lai tồn tại.

Lại có người nói:

_ Sau khi chết Như Lai không tồn tại.

Lại có người nói:

_ Sau khi chết Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại.

Lại có người nói:

_ Sau khi chết Như Lai chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng.

Rồi các ngoại đạo bảo trưởng giả:

_ Chúng tôi mỗi người đều nói chỗ thấy của mình rồi, vậy ông hãy nói chỗ thấy của ông!

Trưởng giả đáp:

_ Cái thấy của tôi là về những gì được tồn tại, được tạo tác, được suy tư đều do duyên sanh khởi.[2] Nếu những gì được tồn tại, được tạo tác, được suy tư đều do duyên sanh khởi thì những pháp đó là vô thường. Những gì vô thường thì khổ. Biết như vậy rồi nên đối với tất cả cái thấy đều không nên bám víu vào đó. Như với cái thấy của các ông: “Thế gian là thường hằng, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng”, so với cái thấy này: “Những gì được tồn tại, được tạo tác, được suy tư đều do duyên sanh khởi. Nếu như những gì được tồn tại, được tạo tác, được suy tư đều do duyên sanh khởi thì những pháp đó [là] vô thường. Những gì vô thường thì khổ”; nên các ông phải thân cận với khổ, chỉ thuần có khổ, bám trụ nơi khổ, chìm sâu trong khổ.

Cũng vậy, khi các ông nói: “Thế gian là vô thường, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng” thì cũng mắc lỗi như thế.

Nếu nói: “Thế gian vừa thường vừa vô thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường; thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian vừa hữu biên vừa vô biên, thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên; mạng tức là thân, mạng khác thân khác; Như Lai tồn tại sau khi chết, Như Lai không tồn tại sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết, Như Lai chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại sau khi chết, đây là chân thật, ngoài ra đều hư vọng”, cũng đều mắc lỗi như trên.

Lúc ấy, có một ngoại đạo nói với Cấp Cô Độc:

_ Như ông đã nói, nếu có cái thấy gì thì cái thấy đó được tồn tại, được tạo tác, được suy tư đều do duyên sanh khởi thì những pháp đó vô thường. Những gì vô thường thì khổ. Thế thì, cái thấy của trưởng giả cũng thân cận với khổ, bám nơi khổ, trụ nơi khổ, chìm sâu trong khổ vậy.

Trưởng giả đáp:

_ Ở trước, chẳng phải đã nói cái thấy của tôi là về những gì được tồn tại, được tạo tác, được suy tư đều do duyên sanh khởi nên hết thảy chúng đều vô thường, mà đã vô thường thì khổ. Đã biết khổ rồi, làm sao tôi có thể bám víu vào cái thấy đó?

Các ngoại đạo nói:

_ Đúng như thế, trưởng giả!

Bấy giờ, tại tinh xá của ngoại đạo, trưởng giả Cấp Cô Độc nhiếp phục luận thuyết của họ, kiến lập chánh luận của mình. Sau khi ở giữa chúng ngoại đạo rống lên tiếng rống của sư tử rồi, trưởng giả liền đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và đem cuộc đàm luận cùng ngoại đạo thuật lại đầy đủ với Thế Tôn.

Đức Phật bảo trưởng giả Cấp Cô Độc:

_ Lành thay! Lành thay! Hãy đúng lúc mà nhiếp phục các ngoại đạo si mê, kiến lập chánh luận.

Đức Phật nói lời ấy xong, trưởng giả Cấp Cô Độc liền hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.968. 0248c06). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.202. 0448b18); A. 10.93 - V. 185.

[2] Nguyên tác: Chân thật hữu vi tư lượng duyên khởi (真實有為思量緣起). Trong đó, “chân thật” (真實) được dịch từ bhūtā, vừa có nghĩa là chân thật vừa có nghĩa là tất cả chúng sanh, tồn tại, sanh vật. Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.202. 0448c10): Theo cái thấy của Ta, tất cả chúng sanh đều do tạo tác,

do các nhân duyên hòa hợp để hình thành, gọi là nhân duyên, tức là tạo tác vậy (如我所見, 一切眾生悉是有為, 從諸因緣和合而有. 言因緣者, 即是業也).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.