Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 34

965. TÔN GIẢ UẤT-ĐÊ-CA[1][2]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo tên Uất-đê-ca[3] đi đến chỗ Phật, ân cần thăm hỏi Phật xong rồi ngồi sang một bên và bạch:

_ Thế nào, thưa Cù-đàm? Thế gian là hữu biên chăng?

Đức Phật bảo:

_ Không cần giải thích về điều này.[4]Uất-đê-ca lại bạch Phật:

_ Thế nào, thưa Cù-đàm? Thế gian là vô biên chăng? Vừa hữu biên vừa vô biên chăng? Chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên chăng?

Đức Phật bảo Uất-đê-ca:

_ Không cần giải thích về điều này.

Uất-đê-ca bạch Phật:

_ Thế nào, Cù-đàm? Con hỏi: “Thế gian là hữu biên chăng?” Ngài đáp: “Không cần phải giải thích.” Con hỏi: “Thế gian là vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên chăng?” Ngài đều đáp: “Không cần phải giải thích.” Thế thì, đối với những pháp nào thì Cù-đàm mới có thể giải thích?

Đức Phật bảo:

_ Với thắng trí[5] của bậc Thông tuệ[6] Ta vì các đệ tử mà giảng dạy về con đường, khiến họ diệt sạch các khổ, vượt thoát khổ đau.

Uất-đê-ca bạch Phật:

_ Thế nào, thưa Cù-đàm? Ngài vì các đệ tử mà giảng dạy về con đường, khiến họ diệt sạch các khổ, vượt thoát khổ đau ư? Thế thì, tất cả thế gian đều phải nhờ vào con đường này mới được thoát khổ, hay chỉ có một số ít thôi?

Khi ấy, Thế Tôn im lặng không đáp. Uất-đê-ca hỏi đến ba lần, đức Phật vẫn im lặng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật, liền nói với tu sĩ ngoại đạo Uất-đê-ca:

_ Trước đây ông đã hỏi nghĩa này, nay lại hỏi khác đi nên Thế Tôn không giải đáp. Này Uất-đê-ca! Tôi sẽ vì ông nói ví dụ, người trí nhờ ví dụ mà hiểu được nghĩa.

Ví như nhà vua có thành lũy ở biên cương, bốn bề được bao bọc kiên cố, đường sá bằng phẳng và chỉ có một cổng ra vào. Đứng canh giữ cổng thành là một người thông minh sáng suốt, khéo biết xét đoán; bên ngoài có ai đến, đáng cho vào thì người ấy cho vào, không đáng cho vào thì người ấy không cho vào. Khắp hết vòng thành, muốn tìm ra cổng thứ hai cũng không thể được. Chẳng có một lỗ nhỏ cho chó mèo lọt vào, huống gì là cổng thứ hai! Người gác cổng ấy không thể biết rõ ai ra, ai vào, nhưng người ấy biết chắc chắn rằng mọi người khi ra, vào thành thì chỉ có thể đi qua cổng này, chẳng còn chỗ nào khác!

Cũng vậy, Thế Tôn tuy không dụng tâm để biết rõ tất cả chúng sanh ở thế gian hay chỉ một phần nhỏ nhờ vào con đường này mà thoát khổ, nhưng Ngài biết rõ chúng sanh muốn diệt sạch các khổ, vượt thoát khổ đau thì tất cả đều nhờ vào con đường này mới được như thế.

Bấy giờ, ngoại đạo xuất gia Uất-đê-ca nghe Phật dạy xong liền hoan hỷ và tùy hỷ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.965. 0247c14). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02.

[2] .199. 0447b19); A. 10.95 - V. 193.

[3] Uất-đê-ca (欝低迦, Uttiya).

[4] Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.199. 0447b22): Những câu hỏi như vậy, Ta không trả lời ngay từ đầu (如斯等問, 吾初不答).

[5] Nguyên tác: Trí (智, abhiññā): Trí hiểu biết toàn diện, thắng trí.

[6] Nguyên tác: Tri (知): Sự hiểu biết rõ ràng, thuần thục (paricca). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.199. 0447b25): Đối với các pháp Ta đã khéo biết tường tận (吾於諸法, 悉善知已).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.