Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 34

964. NGOẠI ĐẠO BÀ-THA XUẤT GIA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có vị tu sĩ thuộc dòng Bà-tha đi đến chỗ Phật, ân cần thăm hỏi Thế Tôn xong rồi ngồi sang một bên và bạch:

_ Thưa Cù-đàm! Con có điều muốn hỏi, không biết Ngài có thời gian để giải đáp cho chăng?

Bấy giờ, Thế Tôn ngồi im lặng.

Bà-tha hỏi hai lần, ba lần như thế nhưng đức Phật vẫn cứ ngồi im lặng. Nhân đó, Bà-tha bạch Phật:

_ Con với Cù-đàm vốn tùy thuận nhau, nay con có điều muốn hỏi, sao Ngài lại lặng yên như thế?

Khi ấy, Thế Tôn nghĩ rằng: “Bà-tha này xưa nay ngay thẳng, không dua nịnh, không dối trá, khi hỏi như vậy là do không biết, chứ chẳng phải muốn não loạn Như Lai. Bây giờ, Ta nên dùng Luật và Luận[2] để giúp Bà-tha lãnh thọ.” Nghĩ thế nên Phật bảo Bà-tha:

_ Ông cứ tùy ý hỏi, Ta sẽ giải thích!

Bà-tha bạch Phật:

_ Thế nào, thưa Cù-đàm? Có pháp thiện và pháp bất thiện chăng?

Phật đáp:

_ Có!

Bà-tha bạch Phật:

_ Xin Ngài nói về pháp thiện và pháp bất thiện để giúp con hiểu được!

Đức Phật bảo:

_ Nay Ta sẽ nói sơ lược cho ông về pháp thiện và pháp bất thiện. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Này Bà-tha! Tham dục là pháp bất thiện; điều phục tham dục là pháp thiện. Sân hận, ngu si là pháp bất thiện; điều phục sân hận, ngu si là pháp thiện. Sát sanh là pháp bất thiện; từ bỏ sát sanh là pháp thiện. Trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói hai chiều, nói thô ác, nói thêu dệt, tham, sân và tà kiến đều là pháp bất thiện; không trộm cướp... (cho đến) chánh kiến đều là pháp thiện.

Như vậy, này Bà-tha! Nay Ta đã nói ba pháp thiện và ba pháp bất thiện như trên. Nếu vị Thánh đệ tử đối với ba pháp thiện và ba pháp bất thiện ấy mà biết đúng như thật, đối với mười pháp thiện và mười pháp bất thiện ở trên mà biết đúng như thật thì tham dục hoàn toàn diệt tận, sân hận, ngu si hoàn toàn diệt tận, tất cả hữu lậu diệt tận, được vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay hiện đời tự biết, tự chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Bà-tha bạch Phật:

_ Có Tỳ-kheo nào ở trong Pháp và Luật này được sạch hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát... (cho đến) tự biết không còn tái sanh chăng?

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Không chỉ một, hai, ba, cho đến năm trăm mà có rất nhiều Tỳ-kheo ở trong Pháp và Luật này sạch hết các hữu lậu... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Bà-tha bạch Phật:

_ Hãy gác chuyện về Tỳ-kheo lại! Thưa Cù-đàm! Có Tỳ-kheo-ni nào ở trong Pháp và Luật này sạch các hữu lậu... (cho đến) tự biết không còn tái sanh chăng?

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Không chỉ một, hai, ba, cho đến năm trăm mà có rất nhiều Tỳ-kheo-ni ở trong Pháp và Luật này sạch các hữu lậu... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Bà-tha bạch Phật:

_ Hãy gác chuyện về Tỳ-kheo-ni lại! Thưa Cù-đàm! Có một ưu-bà-tắc nào tu các Phạm hạnh, ở trong Pháp và Luật này thoát khỏi hoài nghi chăng?

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Không chỉ một, hai, ba cho đến năm trăm ưu-bà-tắc mà có rất nhiều ưu-bà-tắc tu các Phạm hạnh, ở trong Pháp và Luật này đoạn năm hạ phần kiết sử, đắc quả A-na-hàm, không còn tái sanh trở lại cõi đời này nữa.

Bà-tha bạch Phật:

_ Hãy gác chuyện về ưu-bà-tắc lại! Thưa Cù-đàm! Có một ưu-bà-di nào ở trong Pháp và Luật này tu các Phạm hạnh, ở trong Pháp và Luật này thoát khỏi hoài nghi chăng?

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Không chỉ một, hai, ba cho đến năm trăm ưu-bà-di mà có rất nhiều ưu-bà-di ở trong Pháp và Luật này đoạn năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, đắc quả A-na-hàm, không tái sanh trở lại cõi đời này nữa.

Bà-tha bạch Phật:

_ Thôi, hãy gác chuyện về Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di tu tập Phạm hạnh lại! Thưa Cù-đàm! Có ưu-bà-tắc nào hưởng thụ năm dục mà ở trong Pháp và Luật này thoát khỏi hoài nghi chăng?

Đức Phật bảo:

_ Không chỉ một, hai, ba cho đến năm trăm mà có rất nhiều ưu-bà-tắc sống cùng vợ con, trang sức hương hoa, nuôi dưỡng nô tỳ, vậy mà ở trong Pháp và Luật này vẫn có thể đoạn sạch ba kiết sử, giảm thiểu tham, sân, si, đắc quả Tưđà-hàm, chỉ còn một lần qua lại thế gian rồi vượt thoát khổ đau.

Bà-tha bạch Phật:

_ Hãy gác chuyện về ưu-bà-tắc lại! Thưa Cù-đàm! Có ưu-bà-di nào tuy còn hưởng thụ năm dục, vậy mà ở trong Pháp và Luật này vẫn được thoát khỏi hoài nghi chăng?

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Không chỉ một, hai, ba, cho đến năm trăm mà có rất nhiều ưu-bà-di sống cùng gia đình, nuôi dưỡng con cái, thân cận năm dục, trang điểm hương hoa, vậy mà ở trong Pháp và Luật này vẫn đoạn sạch ba kiết sử, đắc quả Tu-đà-hoàn, không đọa nơi đường ác, nhất định hướng đến giác ngộ, bảy lần qua lại cõi trời, cõi người rồi sẽ vượt thoát khổ đau.

Bà-tha bạch Phật:

_ Thưa Cù-đàm! Nếu Sa-môn Cù-đàm đã thành Chánh Đẳng Chánh Giác; các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di tu Phạm hạnh và các ưu-bà-tắc, ưu-bà-di hưởng thụ năm dục ấy không được công đức như thế thì không hoàn hảo. Còn Sa-môn Cù-đàm đã thành Chánh Đẳng Chánh Giác; các Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di tu Phạm hạnh và các ưu-bà-tắc, ưu-bà-di tuy thân cận năm dục ấy nhưng vẫn thành tựu công đức như thế thì thật là hoàn hảo!

Thưa Cù-đàm! Nay con xin được nói ví dụ.

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Ông cứ tùy ý mà nói!

Bà-tha bạch Phật:

_ Ví như trời mưa lớn, nước chảy xuống thành dòng. Pháp và Luật của Cùđàm cũng như thế. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, hoặc người nam, hoặc người nữ thảy đều theo dòng xuôi về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn. Kỳ diệu thay, Phật, Pháp, Tăng! Kỳ diệu thay, Pháp và Luật bình đẳng! Nếu tu sĩ ngoại đạo đi đến chỗ Cù-đàm, ở trong Giáo pháp và Giới luật cầu xin xuất gia, thọ giới Cụ túc thì bao lâu mới được phép xuất gia?

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Nếu có vị tu sĩ ngoại đạo muốn cầu xuất gia, thọ giới Cụ túc ở trong Giáo pháp và Giới luật thì cần trải qua bốn tháng nương theo Hòa thượng mà tập tu. Tuy nhiên, việc này cũng tùy theo tâm tánh của mỗi người mà tạm đặt ra thời hạn vậy thôi.

Bà-tha bạch Phật:

_ Nếu tu sĩ ngoại đạo muốn đến cầu xuất gia, thọ giới Cụ túc ở trong Pháp và Luật thì phải nương theo Hòa thượng tập tu đủ bốn tháng mới được phép xuất gia. Vậy, con nay chấp nhận nương theo Hòa thượng để tập tu suốt bốn tháng; nếu ở trong Giáo pháp và Giới luật mà được xuất gia, thọ giới Cụ túc thì con sẽ xuất gia, thọ giới Cụ túc, tu trì Phạm hạnh trong pháp của Cù-đàm.

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Chẳng phải Ta từng nói rằng, tùy theo tâm tánh của mỗi người mà tạm đặt ra thời hạn đó sao?

Bà-tha bạch Phật:

_ Thưa Cù-đàm! Đúng vậy.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Các thầy hãy độ tu sĩ ngoại đạo dòng Bà-tha kia được xuất gia, ở trong Giáo pháp và Giới luật thọ giới Cụ túc.

Ngay đây, tu sĩ ngoại đạo họ Bà-tha liền được ở trong Giáo pháp và Giới luật xuất gia, thọ giới Cụ túc, trở thành Tỳ-kheo. Trải qua nửa tháng ở trong Chánh pháp của Như Lai, Bà-tha được học những điều nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên ngộ, nên chứng và đối với những điều ấy, Bà-tha đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều ngộ, đều chứng.

Bấy giờ, Tôn giả Bà-tha thầm nghĩ: “Ta nay đã học những điều nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên ngộ, nên chứng; tất cả ta đều biết, đều thấy, đều đắc, đều ngộ, đều chứng. Bây giờ, ta nên đến gặp Thế Tôn.”

Thế rồi Bà-tha đến chỗ Thế Tôn, cung kính lạy sát chân Ngài rồi đứng sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Ở trong Chánh pháp Thế Tôn, con đã học những điều nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên ngộ, nên chứng và tất cả những điều ấy con đều đã biết, đã phân biệt, đã thấy, đã đắc, đã ngộ, đã chứng rồi. Cúi xin Thế Tôn thuyết pháp cho con, sau khi nghe pháp, con sẽ một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên tâm tư duy, sống không buông lung, tư duy về lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, xuất gia học đạo... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Đức Phật bảo Bà-tha:

_ Có hai pháp cần phải tu tập và tu tập thuần thục, đó là chỉ và quán. Hai pháp này nếu tu tập, tu tập thuần thục sẽ biết được quả báo của các cõi, hiểu rõ các cõi ấy, biết được các cõi giới sai biệt, hiểu được các cõi giới sai biệt.

Như vậy, này Tỳ-kheo! Muốn cầu ly dục, ly ác, bất thiện pháp... (cho đến) an trụ trọn vẹn Thiền thứ tư, tâm đầy ắp Từ, Bi, Hỷ, Xả, thể nhập Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ khiến ba kiết sử của mình hết sạch, chứng quả Tu-đà-hoàn; ba kiết sử hết sạch, tham, sân, si mỏng dần, chứng quả Tư-đà-hàm; năm hạ phần kiết sử hết sạch, chứng quả A-na-hàm; chứng được các cảnh giới thần thông như Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí, Lậu tận trí, hết thảy đều chứng đạt được. Thế nên này Tỳ-kheo, hãy tu hai pháp, tu tập và tu tập thuần thục hai pháp ấy sẽ biết được các cõi giới sai biệt... (cho đến) chứng được các cảnh giới thần thông như Thiên nhãn, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, Túc mạng trí, Sanh tử trí và Lậu tận trí.

Bấy giờ, Tôn giả Bà-tha nghe Phật dạy xong liền hoan hỷ đảnh lễ rồi ra đi. Về sau, Tôn giả Bà-tha sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên tâm tư duy, sống không buông lung... (cho đến) tự biết không còn tái sanh.

Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo trang nghiêm phương tiện, muốn đến chỗ Thế Tôn cung kính cúng dường. Bà-tha liền hỏi các Tỳ-kheo:

_ Các thầy trang nghiêm phương tiện là muốn đến chỗ Thế Tôn cung kính cúng dường chăng?

Các Tỳ-kheo đáp:

_ Đúng vậy!

Bấy giờ, Bà-tha nói với các Tỳ-kheo:

_ Tôn giả cho con gởi lời kính lễ, thăm hỏi Thế Tôn: “Đi đứng thuận tiện, ít bệnh, ít não, sống được an ổn chăng?” Và thưa với Thế Tôn rằng: “Tỳ-kheo Bà-tha kính bạch Thế Tôn: Con đã cúng dường Thế Tôn, phụng sự đầy đủ, khiến Ngài hài lòng chứ chẳng phải không hài lòng. Những gì mà đệ tử của Đại sư cần làm, con đã làm xong, xin cúng dường Đại sư, khiến Ngài hài lòng chứ chẳng phải không hài lòng.”

Rồi các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

_ Bạch Thế Tôn! Tôn giả Bà-tha kính lễ, thăm hỏi Thế Tôn... (cho đến) hài lòng chứ chẳng phải không hài lòng.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

_ Chư thiên đã nói trước với Ta rồi, nay các thầy nói lại lần nữa. Như Lai thành tựu tri kiến bậc nhất, cũng như Tỳ-kheo Bà-tha có đức độ và năng lực như thế.

Lúc ấy, Thế Tôn thọ ký cho Tỳ-kheo Bà-tha thành bậc A-la-hán.[3]

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.964. 0246b12). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.198. 0446a11); M. 73, Mahāvaccha Sutta (Ðại kinh Vaccagotta).

[2] Nguyên tác: A-tỳ-đàm (阿毗曇, Abhidhamma), còn gọi là Đối pháp (對法), Đại pháp (大法), Vô tỷ pháp (無比法), Hướng pháp (向法), Thắng pháp (勝法), Luận (論).

[3] Nguyên tác: Thọ đệ nhất ký (受第一記). Xem chú thích 66, kinh số 302, quyển 12, tr. 362; Tạp. 雜 (T.02. 0099.302. 0086a04).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.