Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 34
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo dòng Bà-sa đến chỗ Phật, chắp tay chào hỏi xong, ông ngồi sang một bên và bạch:
_ Do nhân gì, duyên gì, nên khi có người đến hỏi các Sa-môn, Bà-la-môn vấn đề... (nói đầy đủ như trên).
Bấy giờ, tu sĩ Bà-sa liền khen ngợi:
_ Thật kỳ lạ thay! Thưa Cù-đàm! Giữa Đại sư và đệ tử có sự tương đồng về nghĩa, có sự tương đồng về câu, có sự tương đồng về văn tự, cho đến tương đồng về đệ nhất nghĩa.39
Thưa Cù-đàm! Hôm nay, tôi có đến chỗ Đại Mục-kiền-liên và cũng hỏi Tôn giả vấn đề này với ý nghĩa như thế, câu như thế, văn tự như thế. Tôn giả trả lời cho tôi cũng với ý nghĩa như thế, với câu như thế, với văn tự như thế, giống như những gì Cù-đàm đã nói hôm nay. Thế nên, thưa Cù-đàm! Thật là kỳ đặc, giữa Đại sư và đệ tử có sự tương đồng về nghĩa, có sự tương đồng về câu, có sự tương đồng về văn tự, cho đến tương đồng về đệ nhất nghĩa.
Bấy giờ, tu sĩ Bà-sa lại có [một] số việc phải đến thôn Na-lê.[2] Thu xếp công việc xong, ông đi đến chỗ Tôn giả Săn-đà Ca-chiên-diên.[3] Sau khi hai bên ân cần chào hỏi rồi, ông ngồi sang một bên và hỏi Săn-đà Ca-chiên-diên:
_ Thưa Tôn giả! Do nhân gì, duyên gì, khi có người đến hỏi Sa-môn Cùđàm về những vấn đề: “Sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại; hoặc sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại, chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại” thì Cù-đàm đều không xác định cho họ?
Săn-đà Ca-chiên-diên nói với Bà-sa:
_ Bây giờ, tôi hỏi ông, hãy tùy ý mà trả lời. Ý ông thế nào? Do nhân gì, duyên gì mà nói các hành này là sắc, là chẳng phải sắc, là có tưởng, là không có tưởng, là chẳng phải tưởng chẳng phải không tưởng? Nếu nhân kia, duyên kia, hành kia đã diệt sạch hoàn toàn, không còn sót thì Như Lai có nên xác định cho họ: “Sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại; hoặc sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại, chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại” chăng?
Tu sĩ Bà-sa đáp:
_ Nếu do nhân ấy, hoặc duyên ấy mà nói các hành này là sắc, là chẳng phải sắc, là có tưởng, là chẳng có tưởng, là chẳng phải tưởng chẳng phải không tưởng. Nếu nhân kia, duyên kia, hành kia đã diệt sạch hoàn toàn không còn sót thì làm sao Cù-đàm có thể xác định cho họ: “Sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại; hoặc sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại, chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại” được.
Săn-đà Ca-chiên-diên bảo Bà-sa:
_ Do nhân này, duyên này nên khi có người đến hỏi Như Lai: “Sau khi chết Như Lai có tồn tại hay không tồn tại; hoặc sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại, chẳng phải tồn tại chẳng phải không tồn tại” thì Như Lai không xác định cho họ.
Tu sĩ Bà-sa lại hỏi Săn-đà Ca-chiên-diên:
_ Ngài làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm đã bao lâu rồi?
Săn-đà Ca-chiên-diên đáp:
_ Tôi xuất gia tu Phạm hạnh trong Giáo pháp và Giới luật chỉ mới hơn ba năm.
Tu sĩ Bà-sa nói:
_ Tôn giả Săn-đà Ca-chiên-diên! Ngài được thiện lợi quá nhanh! Mới xuất gia chỉ một thời gian ngắn mà thân và miệng đã khế hợp luật nghi, lại còn đạt được trí tuệ biện tài như vậy.
Khi tu sĩ Bà-sa nghe Tôn giả Săn-đà Ca-chiên-diên nói xong, đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi đứng dậy ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.959. 0244c13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.192. 0443c04); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.193. 0444a05); S. 44.8 - IV. 395; S. 44.11 - IV. 401. 39 Đệ nhất nghĩa (第一義) cũng gọi là chân đế, sự thật, thật tướng, chân như...
[2] Na-lê (那梨, Nātika).
[3] Săn-đà Ca-chiên-diên (詵陀迦旃延, Sabhiya Kaccāna).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.