Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 34

957. THÂN VÀ MẠNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, có tu sĩ ngoại đạo dòng Bà-sa[2] đi đến chỗ Phật, chắp tay chào hỏi xong, ông ngồi sang một bên và bạch Phật:

_ Thưa Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, không biết Ngài có thời gian để giải đáp cho chăng?

Phật nói với tu sĩ Bà-sa:

_ Tùy theo điều ông hỏi mà Ta sẽ trả lời.

Tu sĩ Bà-sa bạch Phật:

_ Thế nào, thưa Cù-đàm, mạng tức là thân phải không?

Phật bảo tu sĩ Bà-sa:

_ Mạng tức là thân, điều này không thể khẳng định.

Tu sĩ Bà-sa lại bạch:

_ Vậy thì, thưa Cù-đàm! Mạng khác với thân chăng?

Phật bảo tu sĩ Bà-sa:

_ Mạng khác với thân, điều này cũng không thể khẳng định.

Tu sĩ Bà-sa nói:

_ Thưa Cù-đàm! Vì sao khi tôi hỏi: “Mạng có phải là thân không?” thì Ngài trả lời: “Không thể khẳng định.” Tôi lại hỏi: “Mạng khác với thân phải không?” thì Ngài cũng trả lời: “Không thể khẳng định.”

Thưa Sa-môn Cù-đàm! Có những điều đặc biệt gì để khi vị đệ tử qua đời liền được thầy xác định sẽ sanh vào chỗ này, sẽ sanh vào nơi kia. Những người đệ tử đó qua đời, xả thân ở nơi này liền nương theo ý sanh thân,[3] sanh vào nơi khác. Ngay lúc đó, chẳng phải là mạng khác với thân sao?

Phật bảo Bà-sa:

_ Đây là nói về hữu dư, chứ không phải nói về vô dư.

Bà-sa bạch Phật:

_ Thưa Cù-đàm, thế nào là nói về hữu dư, chứ không phải nói về vô dư?

Phật bảo Bà-sa:

_ Ví như lửa, có hữu dư thì mới có thể cháy, chứ không phải là vô dư.

Bà-sa bạch Phật:

_ Tôi thấy lửa tuy vô dư mà cũng cháy vậy.

Phật bảo Bà-sa:

_ Thế nào là lửa tuy vô dư mà cũng cháy?

Bà-sa bạch Phật:

_ Ví như có một đống lửa lớn bị một cơn gió mạnh thổi qua, làm lửa bay lên không trung, đó há chẳng phải là lửa vô dư36 sao?

Phật bảo Bà-sa:

_ Lửa bị gió thổi bay lên vẫn là hữu dư, chứ chẳng phải vô dư.

Bà-sa bạch Phật:

_ Thưa Cù-đàm, lửa đã bay trong không trung vì sao mà gọi là hữu dư?

Phật bảo Bà-sa:

_ Lửa bay trong không trung nương gió mà trụ, nương gió mà cháy. Vì nương vào gió nên nói là hữu dư.

Bà-sa bạch Phật:

_ Vì sao nói chúng sanh qua đời ở nơi này, nương ý sanh thân rồi sanh vào nơi khác là hữu dư?

Phật bảo Bà-sa:

_ Chúng sanh qua đời ở nơi này, nương ý sanh thân, sanh vào nơi khác là vì lúc ấy có tâm ái nên có chấp thủ, vì có tâm ái nên có bám trụ, thế nên nói là hữu dư.

Bà-sa bạch Phật:

_ Chúng sanh vì ưa thích nên còn hữu dư, vì nhiễm đắm nên còn hữu dư. Chỉ có Thế Tôn mới đạt đến vô dư này mà thành Đẳng Chánh Giác. Thưa Samôn Cù-đàm! Thế gian nhiều duyên sự, con xin phép được cáo từ.

Phật bảo Bà-sa:

_ Nên biết đúng lúc!

Tu sĩ Bà-sa nghe lời Phật dạy đã hoan hỷ và tùy hỷ rồi đứng dậy ra về.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.957. 0244a09). Tham chiếu: S. 44.9 - IV. 398.

[2] Nguyên tác: Bà-tha chủng xuất gia (婆蹉種出家). Tu sĩ ngoại đạo thuộc phái du sĩ (paribbājaka), thuộc dòng họ (種, gotta) Bà-tha (婆蹉, Vaccha). Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.190. 0443a09) ghi là “Phạm chí Độc Tử” (犢子梵志). “Độc Tử” (犢子) được dịch sát từ Vacchagotta.

[3] Ý sanh thân (意生身, manomaya kāyā): Thân do ý hóa sanh. 36 Vô dư ở đây là chỉ không có nhiên liệu.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.