Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 34
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ gần bên núi Tỳ-phú-la,[3] tại thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Muôn sự muôn vật đều[4] vô thường, muôn sự muôn vật đều không bền chắc, không an ổn, là pháp biến đổi. Này các Tỳ-kheo! Hãy sanh tâm nhàm chán đối với muôn sự muôn vật, chỉ cầu niềm vui giải thoát. Này các Tỳ-kheo! Vào thời quá khứ, núi Tỳ-phú-la này có tên là núi Trường Trúc,[5] khu vực người dân cư ngụ chung quanh núi gọi là ấp Đê-di-la.[6] Người dân ấp Đê-di-la thọ bốn vạn tuổi. Mỗi khi họ muốn leo lên đỉnh núi này thì phải mất bốn ngày mới trở về.
Bấy giờ, có Phật Ca-la-ca-tôn-đề,[7] Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác,
Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp giáo hóa, khai mở, hiển bày; pháp ấy phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch.[8]
Hiện tại tên núi Trường Trúc đã biến mất, dân chúng ấp Đê-di-la cũng chẳng còn, đức Phật, Như Lai kia thì đã vào Bát-niết-bàn. Tỳ-kheo nên biết, muôn sự muôn vật đều vô thường, không bền chắc, không an ổn, là pháp biến đổi. Vì thế các thầy hãy tu tập, khởi tâm nhàm chán, lìa dục đối với muôn sự muôn vật để đạt được giải thoát.
Này các Tỳ-kheo! Vào thời quá khứ, núi Tỳ-phú-la này có tên là Bằng-ca,29 khu vực người dân cư trú xung quanh núi gọi là ấp A-tỳ-ca. Tuổi thọ người dân lúc đó là ba vạn tuổi. Mỗi khi người A-tỳ-ca muốn leo lên đỉnh núi này phải mất ba ngày mới trở về.
Bấy giờ, có Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời, diễn nói kinh pháp, khai mở, hiển bày; pháp ấy phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch.
Này các Tỳ-kheo! Tên núi Bằng-ca kia đã biến mất từ lâu, dân chúng ấp A-tỳ-ca từ lâu cũng chẳng còn, đức Phật, Thế Tôn kia cũng vào Bát-niết-bàn. Thật vậy, Tỳ-kheo, mọi sự trên đời đều vô thường, không bền chắc, không an ổn, là pháp biến đổi. Thế nên, Tỳ-kheo các thầy phải tu tập khởi tâm nhàm chán, tìm cầu niềm vui giải thoát.
Này các Tỳ-kheo! Vào thời quá khứ, núi Tỳ-phú-la này có tên là Tú-ba-lathủ,[9] khu vực người dân cư ngụ xung quanh núi gọi là ấp Xích Mã.[10] Tuổi thọ người dân là hai vạn tuổi. Người dân ở đây muốn leo lên đỉnh núi này phải mất hai ngày mới trở về.
Bấy giờ, có Phật Ca-diếp, Như Lai, Ứng Cúng... (cho đến) xuất hiện ở đời, diễn nói kinh pháp, khai mở, hiển bày; pháp ấy phần đầu thiện, phần giữa thiện và phần cuối cũng thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch.
Tỳ-kheo nên biết, tên núi Ba-la-thủ đã biến mất từ lâu, dân chúng ấp Xích Mã từ lâu cũng không còn, đức Phật, Thế Tôn kia cũng vào Bát-niết-bàn. Thật vậy, Tỳ-kheo, mọi sự trên đời đều vô thường, không bền chắc, không an ổn, là pháp biến đổi. Thế nên, Tỳ-kheo các thầy hãy tu tập, khởi tâm nhàm chán để đạt được giải thoát.
Này các Tỳ-kheo! Hiện tại núi này tên là Tỳ-phú-la, khu vực người dân cư ngụ xung quanh núi gọi là nước Ma-kiệt-đề.32 Tuổi thọ người dân nơi đây là một trăm tuổi, nếu tự mình khéo điều hòa sẽ sống trọn trăm tuổi. Người Makiệt-đề leo lên đỉnh núi này chỉ trong chốc lát là có thể về tới.
Nay Ta ở nơi này chứng đắc thành bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác... (cho đến) Phật, Thế Tôn, diễn nói Chánh pháp, giáo hóa giúp chúng sanh được Niết-bàn tịch diệt, đạt được chánh đạo, thành bậc Thiện Thệ, tự mình giác tri.
Tỳ-kheo nên biết, tên núi Tỳ-phú-la này rồi cũng sẽ biến mất, người Makiệt-đề cũng sẽ diệt vong. Không còn bao lâu, Như Lai sẽ vào Bát-niết-bàn.
Thật vậy, Tỳ-kheo! Mọi sự trên đời đều vô thường, không bền chắc, không an ổn, là pháp biến đổi. Thế nên, Tỳ-kheo các thầy phải tu tập khởi tâm nhàm chán, lìa dục để đạt được giải thoát.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Xưa là núi Trường Trúc,
Ấp tên Đê-di-la,
Kế là núi Bằng-ca,
Tụ lạc A-tỳ-ca.
Núi Tú-ba-la-thủ,
Tụ lạc tên Xích Mã,
Nay núi Tỳ-phú-la,
Nước tên Ma-kiệt-đà,
Tên núi đều biến mất,
Dân chúng cũng chẳng còn.
Chư Phật Bát-niết-bàn,
Trước có nay đều mất,
Mọi sự đều vô thường,
Đều là pháp sanh diệt,
Có sanh ắt có diệt,
Chỉ tịch diệt là vui.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.956. 0243b13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02.
[2] .350. 0488c07); S. 15.20 - II. 190.
[3] Tỳ-phú-la (毘富羅, Vepulla).
[4] Nguyên tác: Nhất thiết hành (一切行), còn gọi là “chư hành” (諸行), chỉ cho tất cả các pháp hữu vi, muôn sự muôn vật trên đời.
[5] Trường Trúc sơn (長竹山, Pācīnavaṃsa).
[6] Đê-di-la (低彌羅, Tivarā).
[7] Ca-la-ca-tôn-đề (迦羅迦孫提, Kakusandha): Phật Câu-lưu-tôn.
[8] Nguyên tác: Sơ trung hậu thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất mãn tịnh, Phạm hạnh thanh bạch (初中後善, 善義, 善味, 純一滿淨, 梵行清白). Xem chú thích 94, kinh số 53, quyển 2, tr. 55; Tạp.
雜 (T.02. 0099.53. 0012c04). 29 Bằng-ca (朋迦, Vaṅkaka).
[9] Nguyên tác: Tú-ba-la-thủ (宿波羅首, Supassa).
[10] Nguyên tác: Xích Mã (赤馬, Rohitassā): Ngựa đỏ. 32 Ma-kiệt-đề (摩竭提, Magadha) tức Ma-kiệt-đà.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.