Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 34
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Chúng sanh từ vô thỉ đến nay mãi trôi lăn trong đêm dài sanh tử, không biết được cội nguồn của khổ đau.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, bày vai bên phải, đảnh lễ đức Phật, gối phải sát đất rồi chắp tay bạch rằng:
– Kính bạch Thế Tôn! Quá khứ có bao nhiêu kiếp?
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Ta có thể vì thầy giảng nói, nhưng thầy rất khó biết được.
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Ngài có thể đưa ra một ví dụ được không?
Đức Phật nói:
– Có thể được, này Tỳ-kheo! Ví như có người sống khoảng một trăm tuổi. Buổi sáng nhớ lại ba trăm ngàn kiếp. Buổi trưa nhớ lại ba trăm ngàn kiếp. Buổi chiều nhớ lại ba trăm ngàn kiếp. Ngày nào cũng nhớ nghĩ đến số kiếp như vậy cho đến trăm tuổi lâm chung thì cũng không thể nhớ hết tận cùng của số kiếp. Cũng vậy, này Tỳ-kheo, quá khứ có vô lượng số kiếp như vậy đó. Trong vô lượng số kiếp ở quá khứ, chúng sanh đã luân hồi trong các đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, mãi mãi chịu mọi thống khổ, xương chất thành núi, máu chảy thành sông.
Thật vậy, Tỳ-kheo! Chúng sanh từ vô thỉ đến nay mãi luân hồi trong sanh tử, không biết được cội nguồn của khổ. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy phải siêng năng tinh tấn đoạn trừ các hữu, không cho tăng trưởng. Hãy nên học như vậy!
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.950. 0242c13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.343. 0488a07); S. 15.7 - II. 182.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.