Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 33
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Thâm Cốc, tại làng Na-lê.[2]
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Săn-đà Ca-chiên-diên:13
– Nên tu tập thiền chân thật, chớ tu tập thiền ương ngạnh. Ví dụ như con ngựa ương ngạnh được cột bên cạnh cái máng cỏ thì nó không hề suy nghĩ: “Ta nên làm gì? Ta không nên làm gì?” mà chỉ nghĩ đến cỏ rơm. Cũng vậy, kẻ trượng phu bị tham dục trói buộc, đoanh vây nên khi tu tập thì người ấy dùng tâm tham dục để tư duy mà không biết như thật về con đường xuất ly, tâm thường rong ruổi và thuận theo sự trói buộc của tham dục để mong cầu thiền chứng.[3] [Cũng vậy], vì bị sân hận, thụy miên, trạo cử và nghi ngờ đoanh vây nên khi tu tập thì [người ấy] không biết như thật về con đường xuất ly rồi dùng tâm phiền não nghi ngờ[4] tư duy để mong cầu thiền chứng.
Này Săn-đà! Nếu đúng là con ngựa thuần chủng khi được cột cạnh máng cỏ thì nó cũng không nghĩ đến cỏ và nước mà chỉ nghĩ đến việc kéo xe. Cũng vậy, người trượng phu không nghĩ đến việc sống với sự trói buộc tham dục và biết như thật về [con đường] xuất ly, không dùng sự trói buộc của tham dục để mong cầu thiền chứng. Cũng vậy, [người trượng phu] không sống với nhiều sự trói buộc của sân hận, thụy miên, trạo cử và nghi ngờ mà luôn biết như thật về [con đường] xuất ly của sân hận, thụy miên, trạo cử và nghi ngờ. [Vị ấy] không dùng [tâm] nghi ngờ để mong cầu thiền chứng.
Như vậy, này Săn-đà! Tỳ-kheo hành thiền như vậy, không nương vào đất để tu thiền, không nương vào nước, gió, lửa, không, thức, Vô sở hữu, Phi tưởng phi phi tưởng để tu tập thiền, không nương vào thế giới này, không nương vào thế giới khác, không phải mặt trời, mặt trăng, không phải thấy, nghe, cảm, biết, không phải chứng đắc, không phải mong cầu, không phải tùy giác, không phải tùy quán mà tu tập thiền định.
Này Săn-đà! Nếu Tỳ-kheo nào tu thiền như vậy thì các Thiên chủ Y-thấp-bala,[5] Ba-xà-ba-đề[6] đều cung kính chắp tay, cúi đầu đảnh lễ mà nói kệ khen ngợi:
Đảnh lễ bậc Đại sĩ!
Đảnh lễ bậc Cao quý!
Vì tôi không thể biết,
Nương đâu để thiền định.
Khi ấy, Tôn giả Bạt-ca-lợi đang đứng phía sau cầm quạt quạt hầu Phật, Tôn giả liền bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo làm thế nào để thể nhập thiền mà không nương vào đất, nước, lửa, gió... (cho đến) giác, quán mà tu tập thiền định? Vì sao Tỳ-kheo tu thiền thì được các Thiên chủ Y-thấp-ba-la, Ba-xà-ba-đề chắp tay cung kính, cúi đầu đảnh lễ và nói kệ khen ngợi:
Đảnh lễ bậc Đại sĩ!
Đảnh lễ bậc Cao quý!
Vì tôi không thể biết,
Nương đâu để thiền định.
Phật nói với Tỳ-kheo Bạt-ca-lợi:
– Tỳ-kheo, đối với niệm tưởng về đất thì khéo điều phục được niệm tưởng đất; đối với niệm tưởng về nước, về lửa, về gió; niệm tưởng về Không vô biên xứ, niệm tưởng về Thức vô biên xứ, niệm tưởng về Vô sở hữu xứ, niệm tưởng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ; thế giới này, thế giới khác; mặt trời, mặt trăng; thấy, nghe, cảm, biết; hoặc chứng đắc, hoặc mong cầu; hoặc giác, hoặc quán, vị ấy thảy đều nhiếp phục được các tưởng ấy.
Này Bạt-ca-lợi! Tỳ-kheo hành thiền như vậy, không nương vào đất, nước, lửa, gió... (cho đến) không nương vào giác, quán để tu tập thiền. Này Bạt-ca-lợi! Tỳ-kheo nào tu tập thiền như vậy thì các Thiên chủ Y-thấp-ba-la, Ba-xà-ba-đề đều cung kính chắp tay, cúi đầu đảnh lễ và nói kệ khen ngợi:
Đảnh lễ bậc Đại sĩ!
Đảnh lễ bậc Cao quý!
Vì tôi không thể biết,
Nương đâu để hành thiền.
Trong khi nghe Phật nói kinh này, Tỳ-kheo Săn-đà Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh; Tỳ-kheo Bạt-ca-lợi không còn sanh khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Đức Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Bạt-ca-lợi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.926. 0235c27). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.151. 0430c10); A. 11.9 - V. 322.
[2] Na-lê tụ lạc Thâm Cốc tinh xá (那梨聚落深谷精舍, Nātika, Giñjakāvasatha). 13 Săn-đà Ca-chiên-diên (詵陀迦旃延, Sandha Kaccāyana).
[3] Nguyên tác: Chánh thọ (正受, samāpatti).
[4] Kinh đề cập về 5 loại triền cái. Theo Tạp. 雜 (T.02. 0099.611. 0171b24), 5 loại triền cái ấy bao gồm: Tham dục cái (貪欲蓋, kāmacchandanīvaraṇa), sân khuể cái (瞋恚蓋, byāpādanīvaraṇa), thụy miên cái (睡眠蓋, thīnamiddhanīvaraṇa), trạo hối cái (掉悔蓋, uddhaccakukkuccanīvaraṇa), nghi cái (疑蓋, vicikicchānīvaraṇa). Đoạn kinh này, bản Hán tỉnh lược sân khuể, thụy miên, trạo cử (瞋恚, 睡眠, 掉悔).
[5] Y-thấp-ba-la (伊濕波羅, S. Īśvara): Đại chủ tể (大主宰).
[6] Ba-xà-ba-đề (波闍波提, Pajāpati) còn gọi là đấng Sanh chủ (生主), Tạo vật chủ (造物主).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.