Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 33

925. TÁM ĐỨC CỦA HIỀN SĨ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ở thế gian, loại ngựa tốt có đầy đủ tám phẩm chất, biết lựa chọn đường tốt, biết thuận theo ý người.[2] Là tám phẩm chất nào?

Được sanh ra trong xứ sở của loại ngựa tốt. Đây là phẩm chất thứ nhất để được gọi là ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt có bản tánh ôn hòa, hiền lành, không làm người hoảng sợ. Đây là phẩm chất thứ hai của loại ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt không kén chọn thức ăn thức uống. Đây là phẩm chất thứ ba của loại ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt tránh xa những nơi nhơ nhớp, chọn đất sạch để nằm. Đây là phẩm chất thứ tư của loại ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt luôn biểu lộ các tính cách nóng vội khiến người huấn luyện nhận biết, để người huấn luyện điều phục, giúp nó từ bỏ những tính cách đó. Đây là phẩm chất thứ năm của loại ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt khi đã đóng vào xe thì nó sẽ không để ý những con ngựa khác, tùy vào cỗ xe nặng, nhẹ mà khéo dùng hết sức lực của mình. Đây là phẩm chất thứ sáu của loại ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt thường đi theo đúng đường, không đi lạc đường. Đây là phẩm chất thứ bảy của loại ngựa tốt.

Lại nữa, ngựa tốt thì dù bệnh hoạn, hoặc già yếu vẫn gắng sức kéo xe không chán nản, không tỏ ra mệt nhọc. Đây là phẩm chất thứ tám của loại ngựa tốt.

Cũng vậy, ở trong Chánh pháp và Giới luật, vị Tỳ-kheo nào thành tựu tám phẩm đức này, nên biết đó là bậc Hiền sĩ. Là tám phẩm đức nào? Bậc Hiền sĩ an trụ nơi giới chân chánh, luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, đầy đủ oai nghi hành xứ, thấy lỗi nhỏ nhặt liền sanh sợ hãi, giữ gìn học giới. Đây là phẩm đức thứ nhất của vị trượng phu trong Chánh pháp và Giới luật.

Lại nữa, vị trượng phu tánh vốn hiền thiện, khéo điều phục, khéo an trụ, không phiền nhiễu, không làm những bậc Phạm hạnh sợ hãi. Đây gọi là phẩm đức thứ hai của trượng phu.

Lại nữa, vị trượng phu đi khất thực theo thứ lớp, tùy theo những gì nhận được, dù ngon hay dở, tâm vẫn bình đẳng, không chê bai, không đắm trước. Đó là phẩm đức thứ ba của vị trượng phu.

Lại nữa, vị trượng phu sanh tâm chán bỏ các nghiệp ác nơi thân, miệng, ý và các pháp ác, bất thiện, cùng các phiền não; chúng là nguyên nhân dẫn đến nhiều lần thọ nhận các quả báo khổ đau bức bách; đối với sự sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não trong đời tương lai lại càng biết nhàm chán. Đó là phẩm đức thứ tư của vị trượng phu.

Lại nữa, vị trượng phu nếu nhận thấy Sa-môn nào phạm lỗi mà chối quanh, không chân thật thì lập tức thưa trình lên Đại sư và bậc thiện tri thức; được Đại sư khuyên dạy thì người kia sẽ sửa đổi. Đó là phẩm đức thứ năm của vị trượng phu.

Lại nữa, vị trượng phu có đầy đủ tâm cầu học, luôn nghĩ như vầy: “Cho dù người khác có học hay không học, ta cũng phải học.” Đó là phẩm đức thứ sáu của vị trượng phu.

Lại nữa, vị trượng phu tu tập Thánh đạo tám chi, không hành theo đường tà. Đó là phẩm đức thứ bảy của vị trượng phu.

Lại nữa, vị trượng phu suốt đời nỗ lực tinh cần, không chán nản, không mệt mỏi. Đó là phẩm đức thứ tám của vị trượng phu.

Như vậy, vị trượng phu thành tựu tám phẩm đức, tùy thuộc vào sự thực hành của mình mà có thể tiến lên nhanh chóng.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.925. 0235b22). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.924. 0235a06); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.149. 0429c11); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.150. 0430a28); Mã hữu bát thái thí nhân kinh 馬有八態譬人經 (T.02. 0115. 0507a07); A. 8.13 - IV. 188; A. 8.14 - IV. 190.

[2] Nguyên tác: Tùy nhân sở dục, thủ đạo đa thiểu (隨人所欲, 取道多少). Cú ngữ này được Đài Đại Sư Tử Hống Phật học chuyên trạm (台大獅子吼佛學專站) giải thích: Có khả năng tuân theo yêu cầu của người đánh xe và biết lựa chọn đường sá khi đi lại (能隨順駕馭者的要求, 行於所選取的道路上).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.