Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 33
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, có người làm nghề huấn luyện ngựa tên là Chỉ-thi7 đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con nhận thấy con người trong thế gian thật là thấp kém, giống như bầy dê. Bạch Thế Tôn! Chỉ có con là có khả năng điều phục được ngựa cuồng, ngựa hoang, ngựa chứng. Con có phương pháp, chỉ cần trong giây lát là có thể khiến cho những chứng tật của chúng hiện ra và tùy theo chứng tật đó mà có cách điều phục nó.
Phật hỏi thôn trưởng làm nghề huấn luyện ngựa:
_ Ông dùng bao nhiêu cách để điều phục ngựa?
Người huấn luyện ngựa bạch Phật:
_ Có ba cách để điều phục ngựa chứng. Đó là ba cách nào? Một là mềm mỏng. Hai là cứng rắn. Ba là vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.
Phật lại hỏi thôn trưởng:
_ Nếu như ông dùng ba cách này để điều phục ngựa mà vẫn không điều phục được thì phải làm thế nào?
Người huấn luyện ngựa bạch Phật:
_ Nếu vẫn không điều phục được thì nên giết nó. Vì sao như vậy? Vì không thể để nó khiến con hổ thẹn.
Người huấn luyện ngựa lại bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Ngài là bậc Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu, vậy thì Ngài đã dùng bao nhiêu phương pháp để điều phục chúng sanh?
Phật nói với thôn trưởng:
_ Ta cũng dùng ba phương pháp để điều phục chúng sanh. Đó là ba phương pháp nào? Một là thuần túy mềm mỏng. Hai là thuần túy cứng rắn. Ba là vừa mềm mỏng vừa cứng rắn.
Phật lại nói với thôn trưởng:
_ Phương pháp thuần túy mềm mỏng nghĩa là Ta dạy họ rằng: “Đây là nghiệp thiện của thân; đây là phước quả từ nghiệp thiện của thân. Đây là nghiệp thiện của miệng, của ý; đây là phước quả từ nghiệp thiện của miệng, của ý. Đây gọi là trời, đây gọi là người, đây gọi là sự hóa sanh của cõi thiện, đây gọi là Niết-bàn.” Đó gọi là phương pháp thuần túy mềm mỏng.
Phương pháp thuần túy cứng rắn nghĩa là Ta dạy họ rằng: “Đây là nghiệp ác của thân; đây là phước quả từ nghiệp ác của thân. Đây là nghiệp ác của miệng, của ý; đây là phước quả từ nghiệp ác của miệng, của ý. Đây gọi là địa ngục, đây gọi là ngạ quỷ, đây gọi là súc sanh, đây gọi là đường ác, đây gọi là đọa vào đường ác.” Đây gọi là phương pháp thuần túy cứng rắn của Như Lai.
Phương pháp vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, nghĩa là Như Lai có lúc nói về nghiệp thiện của thân, có lúc nói về phước quả từ nghiệp thiện của thân; có lúc nói về nghiệp thiện của miệng, của ý; có lúc nói về phước quả từ nghiệp thiện của miệng, của ý; có lúc nói về nghiệp ác của thân, có lúc nói về quả báo từ nghiệp ác của thân; có lúc nói về nghiệp ác của miệng, của ý; có lúc nói về quả báo từ nghiệp ác của miệng, của ý; như vậy gọi là trời, như vậy gọi là người, như vậy gọi là đường lành, như vậy gọi là Niết-bàn; như vậy gọi là địa ngục, như vậy gọi là súc sanh, ngạ quỷ, như vậy gọi là đường ác, như vậy thì đọa đường ác. Đây gọi là phương pháp dạy dỗ vừa mềm mỏng vừa cứng rắn của
Như Lai
Người huấn luyện ngựa lại bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Khi Ngài dùng ba phương pháp trên để điều phục chúng sanh, nếu vẫn có người không điều phục được thì Ngài sẽ làm thế nào?
Phật nói với thôn trưởng:
_ Cũng nên giết đi. Vì sao như vậy? Vì chớ nên khiến cho Ta hổ thẹn.
Người huấn luyện ngựa bạch Phật:
_ Nếu sát sanh thì đối với giáo pháp của Thế Tôn là không thanh tịnh. Trong pháp của Thế Tôn cũng không cho phép sát sanh mà nay Ngài lại bảo giết, vậy thì nghĩa lý này thế nào?
Đức Phật nói với thôn trưởng:
_ Đúng vậy, đúng vậy! Đối với giáo pháp của Như Lai thì việc sát sanh là không thanh tịnh, trong pháp của Như Lai cũng không cho phép sát sanh. Tuy nhiên, trong pháp của Như Lai nếu đã dùng ba phương pháp trên để dạy dỗ mà vẫn không điều phục được thì người này Như Lai sẽ không nói đến, không dạy dỗ, không nhắc nhở nữa. Này thôn trưởng, ông nghĩ thế nào? Người mà trong pháp Như Lai không còn nói đến, không dạy dỗ, không nhắc nhở nữa thì đó chẳng phải như người đã chết sao?
Người huấn luyện ngựa bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn, đúng thật như thế! Như Lai không nói đến họ, không hề dạy dỗ, cũng không nhắc nhở thì họ thật sự như người đã chết. Thưa Thế Tôn! Vì vậy, kể từ hôm nay, con xin dứt bỏ các nghiệp ác, bất thiện.
Phật nói với thôn trưởng:
_ Lành thay, khi nói lời này!
Bấy giờ, thôn trưởng huấn luyện ngựa Chỉ-thi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, lạy sát chân Phật rồi rời đi.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.923. 0234b21). Tham chiếu: A. 4.111 - II. 112. 7 Chỉ-thi (只尸, kesi).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.