Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 33
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ ở giảng đường Trùng Các, bên ao Di Hầu, nước Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, có bốn mươi Tỳ-kheo đang ngụ ở làng Ba-lê-da,[2] tất cả đều tu hạnh A-lan-nhã, khoác y phấn tảo và đi khất thực,[3] nhưng còn ở giai vị Hữu học, chưa lìa dục. Họ cùng đến chỗ Phật, cúi đầu lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn thầm nghĩ: “Bốn mươi Tỳ-kheo này đang ngụ ở làng Balê-da, đều tu hạnh A-lan-nhã, khoác y phấn tảo và đi khất thực, nhưng đang còn ở giai vị Hữu học, chưa lìa dục. Hôm nay, Ta nên thuyết pháp cho họ để ngay đời này không còn sanh khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát.”
Nghĩ rồi, Thế Tôn nói với bốn mươi Tỳ-kheo ở làng Ba-lê-da:
_ Chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị vô minh che lấp, bị ái buộc cổ, lưu chuyển trong đêm dài sanh tử không biết đâu là cội nguồn của khổ đau. Này các Tỳ-kheo! Ý các thầy nghĩ sao? Nước sông Hằng cuồn cuộn chảy vào biển lớn thì lượng nước ấy nhiều, hay là lượng máu chảy ra từ nơi thân thể của các thầy bị hủy hoại khi lưu chuyển trong đêm dài sanh tử từ vô thỉ đến nay là nhiều?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_ Theo chúng con hiểu ý nghĩa mà Phật muốn nói thì khi luân chuyển trong đêm dài sanh tử, thân thể chúng con bị hủy hoại, máu đã chảy rất nhiều, nhiều gấp trăm ngàn vạn lần nước sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
_ Hãy gác lại nước sông Hằng... (cho đến) nước trong bốn biển lớn là nhiều hay là lượng máu chảy ra từ nơi thân thể của các thầy bị hủy hoại trong luân hồi sanh tử là nhiều?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_ Như chúng con hiểu ý nghĩa của Thế Tôn nói thì khi lưu chuyển trong sanh tử đã lâu, thân thể chúng con bị hủy hoại, máu tuôn chảy rất nhiều, nhiều hơn cả nước trong bốn biển lớn.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
_ Lành thay! Lành thay! Trong đêm dài sanh tử lưu chuyển ấy, máu trong thân thể của các thầy đã tuôn chảy nhiều không thể tính kể, nhiều hơn cả nước sông Hằng và bốn biển lớn. Vì sao như vậy? Vì các thầy đã từng sanh trong loài voi, bị cắt tai, cắt mũi, đầu, đuôi và bốn chân, máu tuôn chảy không tính kể; hoặc làm thân các loài cầm thú như ngựa, lạc đà, lừa, trâu, chó... cũng bị cắt đứt tai, cắt mũi, đầu, chân, toàn thân, máu tuôn chảy vô lượng. Các thầy cũng đã từng bị giặc cướp, bị người sát hại, cắt đứt đầu, chân, tai, mũi, toàn thân bị chia lìa, máu tuôn chảy vô lượng. Các thầy đã từng chịu cảnh thân hoại mạng chung bỏ xác nơi nghĩa địa, máu huyết tanh nồng, tuôn chảy cũng không thể tính lường. Hoặc đọa địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ rồi thân hoại mạng chung, máu huyết tuôn chảy cũng vô lượng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
_ Sắc là thường hay vô thường?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
_ Bạch Thế Tôn, là vô thường!
_ Những gì vô thường là khổ chăng?
_ Bạch Thế Tôn, là khổ!
_ Nếu vô thường, khổ, là pháp đổi thay thì vị Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy có ngã, khác ngã, hoặc tồn tại trong nhau chăng?
_ Bạch Thế Tôn, không nên!
Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Rồi Phật lại bảo các Tỳ-kheo:
_ Các thầy phải biết đúng như thật rằng những gì thuộc về sắc quá khứ, tương lai, hiện tại, hoặc trong hoặc ngoài, hoặc thô hoặc tế, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần, tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Bậc Thánh đệ tử quán sát như vậy rồi sẽ sanh nhàm chán đối với sắc; sanh nhàm chán đối với thọ, tưởng, hành, thức. Khi đã nhàm chán rồi thì không còn ưa thích, vì không còn ưa thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến, rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Khi đức Phật nói bài pháp này, bốn mươi Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.937. 0240b12). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.330. 0485c05); Tăng. 增 (T.02. 0125.51.2. 0814b11); S. 15.13 - II. 187.
[2] Ba-lê-da tụ lạc (波梨耶聚落, Pāveyyakā).
[3] Nguyên tác: A-luyện-nhã, phấn tảo y, khất thực (阿練若, 糞掃衣, 乞食, araññakā paṃsukūlikā piṇḍapātikā). Hành trì 3 trong 13 hạnh Đầu-đà: Chỉ sống trong rừng, chỉ khoác y phấn tảo và chỉ khất thực (không nhận lời mời).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.