Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 33

936. CƯ SĨ BÁCH THỦ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ tập hợp tại nhà cúng dường,[2] cùng nhau bàn luận và hỏi Ma-ha-nam như vầy:

_ Ma-ha-nam! Thế nào là lời thọ ký tối hậu? Như trường hợp Thích Bách Thủ[3] qua đời, Thế Tôn thọ ký cho ông ấy đắc quả Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào đường ác, nhất định hướng đến giác ngộ,[4] tối đa bảy lần sanh vào cõi trời, cõi người sẽ chấm dứt khổ đau. Nhưng Thích Bách Thủ đã phạm giới và uống rượu mà Thế Tôn lại thọ ký ông ta đắc Tu-đà-hoàn... (cho đến) chấm dứt khổ đau. Ma-ha-nam! Ông nên đến hỏi Phật rồi chúng ta sẽ hành trì đúng theo sự chỉ dạy của Ngài.

Khi ấy, Ma-ha-nam đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

_ Kính bạch Thế Tôn! Những người họ Thích chúng con ở Ca-tỳ-la-vệ tập hợp tại nhà cúng dường cùng bàn luận và hỏi con như vầy: “Ma-ha-nam! Thế nào là lời nói thọ ký tối hậu? Như trường hợp Thích Bách Thủ qua đời, được Thế Tôn thọ ký đắc quả Tu-đà-hoàn... (cho đến) chấm dứt khổ đau. Nay ông nên đến hỏi lại Thế Tôn rồi chúng ta sẽ hành trì đúng theo sự chỉ dạy của Ngài.” Bây giờ, con xin hỏi Phật, cúi xin Ngài giải thích cho.

Phật bảo Ma-ha-nam:

_ Khi một vị Thánh đệ tử nói: “Đại sư Thiện Thệ! Đại sư Thiện Thệ!” Miệng nói Thiện Thệ mà tâm chánh niệm, chánh kiến thì chắc chắn thâm nhập Thiện Thệ. Nếu vị Thánh đệ tử nói: “Chánh pháp và Luật! Chánh pháp và Luật!” Miệng nói Chánh pháp và Luật mà tâm chánh niệm, chánh kiến thì chắc chắn thâm nhập Chánh pháp. Nếu vị Thánh đệ tử nói: “Thiện hướng Tăng! Thiện hướng Tăng!” Miệng nói thiện hướng mà tâm chánh niệm, chánh kiến thì chắc chắn thâm nhập thiện hướng.

Cũng vậy, này Ma-ha-nam! Khi vị Thánh đệ tử có lòng tin thanh tịnh tuyệt đối với Phật, có lòng tin thanh tịnh tuyệt đối với Pháp, đối với Tăng thì ở trong giáo pháp phát sanh trí lanh lợi, trí siêu xuất, trí kiên định, thành tựu tám món giải thoát, tự thân tác chứng, an trụ đầy đủ. Rồi bằng trí tuệ mà đoạn tri[5] tất cả phiền não. Với tín tâm như vậy thì vị Thánh đệ tử không hướng vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chẳng đọa đường ác. Đó gọi là bậc A-la-hán Câu giải thoát.[6]

Lại nữa, Ma-ha-nam! Khi vị Thánh đệ tử có lòng tin thanh tịnh tuyệt đối với Phật... (cho đến) trí tuệ kiên định, nhưng không đạt được tám món giải thoát và không tự mình tác chứng, an trụ đầy đủ, nhưng vị ấy thấy, biết mọi phiền não đã đoạn trừ. Đó gọi là vị Thánh đệ tử không đọa vào đường ác... (cho đến) Tuệ giải thoát.[7]

Lại nữa, Ma-ha-nam! Vị Thánh đệ tử có lòng tin thanh tịnh tuyệt đối với Phật... (cho đến) trí tuệ kiên định, tuy đã thành tựu tám món giải thoát, tự thân tác chứng, an trụ đầy đủ, nhưng không thấy phiền não bị đoạn trừ. Đó gọi là vị Thánh đệ tử không đọa vào đường ác... (cho đến) Thân chứng.[8]

Lại nữa, Ma-ha-nam! Vị Thánh đệ tử có lòng tin thanh tịnh tuyệt đối với Phật... (cho đến) trí tuệ kiên định, không thành tựu tám món giải thoát, không tự mình tác chứng, an trụ đầy đủ, nhưng thấy biết như thật đối với giáo pháp. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác... (cho đến) Kiến đáo.[9]

Lại nữa, Ma-ha-nam! Vị Thánh đệ tử có lòng tin thanh tịnh tuyệt đối với Phật... (cho đến) trí tuệ kiên định, tuy có thấy biết như thật đối với giáo pháp nhưng chẳng được Kiến đáo. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác... (cho đến) Tín giải thoát.[10]

Lại nữa, Ma-ha-nam! Vị Thánh đệ tử tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Phật, tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của của Pháp, của Tăng. Đối với năm pháp là tín, tấn, niệm, định, tuệ vị ấy dùng sức mạnh[11] trí tuệ tư duy quán sát để rồi tiếp thọ.[12] Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác... (cho đến) Tùy pháp hành.[13]

Lại nữa, Ma-ha-nam! Vị Thánh đệ tử tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Phật, tin vào ngôn thuyết thanh tịnh của Pháp, của Tăng... (cho đến) năm pháp là tín, tấn, niệm, định, tuệ vị ấy chỉ dùng chút ít trí tuệ để tư duy quán sát để rồi tiếp thọ. Đó gọi là Thánh đệ tử không đọa vào đường ác... (cho đến) Tùy tín hành.[14]

Này Ma-ha-nam! Ví như cây Sa-la[15] này, khi nghe những gì Ta nói mà có thể hiểu được nghĩa thì thật là vô lý. Nếu cội cây có thể hiểu thì Ta cũng thọ ký vậy, huống gì Thích Bách Thủ mà Ta không thọ ký đắc quả Tu-đà-hoàn.

Này Ma-ha-nam! Lúc Thích Bách Thủ sắp qua đời, ông ấy đã thọ trì tịnh giới, bỏ uống rượu nên sau khi mạng chung Ta thọ ký ông ấy đắc quả Tu-đàhoàn... (cho đến) vượt thoát khổ đau.

Thích Ma-ha-nam nghe lời Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ và đi ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.936. 0239c21). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.160. 0434b12); S. 55.24 - V. 375.

[2] Nguyên tác: Cúng dường đường (供養堂, dānagga). Nơi các cư sĩ tại gia dâng cúng thức ăn đến bậc xuất gia.

[3] Bách Thủ Thích Thị (百手釋氏, Sarakāni Sakka). Theo S. 55.24 - V. 375, là người cư sĩ thuộc dòng họ Thích-ca tên là Sarakāni. Do vì bản Hán chiết tự rồi đọc kāni thành pāṇi, nghĩa là cánh tay (手) và sara thì đọc thành sata, nghĩa là 100 (百).

[4] Nguyên tác: Tam-bồ-đề (三菩提, Sambodhi): Giác ngộ, Chánh đẳng giác, Niết-bàn.

[5] Đoạn tri (斷知, pariññeyya): Nhờ buông xả và cắt đứt nên được liễu tri, chỉ cho sự đoạn trừ phiền não do nhận thức toàn diện về bốn Thánh đế.

[6] Câu giải thoát (俱解脫, Ubhatobhāgavimuttā) còn gọi là Câu phần giải thoát. Bậc Thánh A-la-hán giải thoát cả hai phần. M. 70, Kīṭāgiri Sutta (Kinh Kīṭāgiri) giải thích: “Thế nào là bậc Câu phần giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sau khi thân đã chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là hạng người Câu phần giải thoát” (HT. Thích Minh Châu dịch).

[7] Tuệ giải thoát (慧解脫, Paññāvimuttā): Bậc Thánh A-la-hán, nhờ sức trí tuệ đoạn trừ phiền não mà được giải thoát. Tham chiếu: M. 70, Kīṭāgiri Sutta (Kinh Kīṭāgiri): “Thế nào là bậc Tuệ giải thoát? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sau khi thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp, và sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị này được đoạn trừ hoàn toàn. Vị này như vậy được gọi là bậc Tuệ giải thoát” (HT. Thích Minh Châu dịch).

[8] Thân chứng (身證, Kāyasakkhi). Trong A. 3.21 - I. 118, đức Phật xác định: Na khvettha, sāriputta, sukaraṃ ekaṃsena byākātuṃ: “Ayaṃ imesaṃ tiṇṇaṃ puggalānaṃ abhikkantataro ca paṇītataro cā”ti. Ṭhānañhetaṃ, sāriputta, vijjati yvāyaṃ puggalo diṭṭhippatto svāssa arahattāya paṭipanno, yvāyaṃ puggalo saddhāvimutto svāssa sakadāgāmī vā anāgāmī vā, yo cāyaṃ puggalo kāyasakkhī sopassa sakadāgāmī vā anāgāmī vā (Ở đây, này Sāriputta, thật không dễ gì để trả lời một chiều là hạng người nào hy hữu hơn, thù diệu hơn trong ba hạng người kia. Sự kiện này xảy ra, này Sāriputta, là hạng người Kiến chí này là hạng người đang hướng đến A-la-hán, còn hạng người Tín giải này là hạng người Nhất lai hay Bất lai, và hạng người Thân chứng này là hạng người Nhất lai hay Bất lai), HT. Thích Minh Châu dịch. Theo kinh, chỉ cho bậc Thánh đắc quả Tư-đà-hàm hoặc A-na-hàm. Tuy nhiên, A-tỳđạt-ma Câu-xá luận 阿毘達磨俱舍論 (T.29. 1558.024. 0126a15) cho rằng: Trong kinh có nói, [quả vị] Bất hoàn còn gọi là Thân chứng (經說不還, 有名身證). Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.054. 0447a22) cũng khẳng định Thân chứng là quả vị A-na-hàm.

[9] Kiến đáo (見到, Diṭṭhippatta) cũng gọi là “Kiến chí” (見至), là bậc Dự lưu, thấy biết như thật đối với giáo pháp.

[10] Tín giải thoát (信解脫, Saddhāvimutto): Nhờ tín tâm cao tột với đức Phật nên được giải thoát. Theo A. 3.21 - I. 118: Yvāyaṃ puggalo saddhāvimutto svāssa sakadāgāmī vā anāgāmī vā (Hạng người Tín giải này là hạng người Nhất lai hay Bất lai), HT. Thích Minh Châu dịch.

[11] Nguyên tác: Tăng thượng (增上). Theo Phật học đại từ điển của Đinh Phúc Bảo, nói chung về sức mạnh của thế và lực (總言勢力之強).

[12] Nguyên tác: Kham nhẫn (堪忍), tương đương Pāli là khanti, vừa có nghĩa thọ nhận vừa mang nghĩa tin tưởng rồi thọ trì (信忍).

[13] Tùy pháp hành (隨法行, Dhammānusārī): Hành giả dùng trí tuệ tư duy, quán sát giáo pháp để tu tập, đã vượt khỏi địa vị phàm phu, đang trên lộ trình chứng đắc quả vị Dự lưu. Tùy pháp hành là vị có tuệ căn mạnh. Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.040. 0349b06) giải thích: Bậc lợi căn gọi là Tùy pháp hành. Hạng người này do biện giải giáo pháp mà chứng đạo nên gọi là Tùy pháp hành (利根者名隨法行, 是人分別諸法故得道, 是名隨法行).

[14] Nguyên tác: Tùy tín hành (隨信行, Saddhānusārī): Hành giả lấy tín tâm làm căn bản để tu tập, đang trên lộ trình chuẩn bị chứng đắc quả vị Dự lưu. Tùy tín hành là vị có tín căn mạnh.

[15] Kiên Cố thọ (堅固樹) tức cây Sa-la.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.