Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 33

934. CHÁNH ĐỊNH VÀ GIẢI THOÁT[1]

 

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, Thích Ma-ha-nam đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

– Kính bạch Thế Tôn! Theo những gì Phật đã dạy, con hiểu như vầy: Nhờ có chánh định nên mới được giải thoát, chứ không thể không có chánh định. Bạch Thế Tôn! Có phải được chánh định trước rồi sau mới giải thoát, hay là giải thoát trước rồi sau mới được chánh định? Hay chánh định và giải thoát không có trước sau mà cả hai sanh cùng lúc?

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không đáp. Ma-ha-nam hỏi hai ba lần như vậy nhưng Phật vẫn im lặng.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang đứng sau Phật, cầm quạt quạt hầu Phật. Tôn giả A-nan suy nghĩ: “Thích Ma-ha-nam đem nghĩa lý sâu xa này thưa hỏi Thế Tôn, nhưng Thế Tôn vừa khỏi bệnh chưa lâu. Bây giờ, ta nên nói sang vấn đề khác để tiếp lời ông.” Rồi Tôn giả nói với Ma-ha-nam:

– Này Ma-ha-nam! Bậc Hữu học cũng có giới, bậc Vô học cũng có giới; bậc Hữu học có tam-muội, bậc Vô học cũng có tam-muội; bậc Hữu học có tuệ, bậc Vô học cũng có tuệ; bậc Hữu học có giải thoát, bậc Vô học cũng có giải thoát.

Ma-ha-nam liền hỏi Tôn giả A-nan:

– Thưa Tôn giả! Thế nào là giới của bậc Hữu học? Thế nào là giới của bậc Vô học? Thế nào là tam-muội của bậc Hữu học? Thế nào là tam-muội của bậc Vô học? Thế nào là tuệ của bậc Hữu học? Thế nào là tuệ của bậc Vô học? Thế nào là giải thoát của bậc Hữu học? Thế nào là giải thoát của bậc Vô học?

Tôn giả A-nan nói với Ma-ha-nam:

– Vị Thánh đệ tử này sống với tịnh giới, khép mình vào luật nghi Ba-la-đề-mộc-xoa, hành xử uy nghi, thọ trì học giới. Thọ trì học giới đầy đủ rồi, vị ấy lìa dục và pháp ác, bất thiện... (cho đến) an trụ trọn vẹn Thiền thứ tư. Khi đã có đủ tam-muội như vậy sẽ biết rõ như thật Thánh đế về khổ này, biết rõ như thật Thánh đế về nguyên nhân của khổ, biết rõ như thật Thánh đế về khổ diệt và biết rõ như thật Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Biết rõ như vậy và thấy như vậy rồi thì năm hạ phần kiết sử là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, sân hận được đoạn sạch, được giác tri. Năm hạ phần kiết sử này đã đoạn trừ thì sẽ sanh lên cõi kia, chứng đắc Niết-bàn A-na-hàm, không còn sanh trở lại cõi này nữa. Ngay bấy giờ, vị ấy thành tựu giới của bậc Hữu học, tam-muội của bậc Hữu học, trí tuệ của bậc Hữu học và giải thoát của bậc Hữu học.

Lại trải qua thời gian khác, vị ấy đoạn sạch mọi phiền não, đạt được vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, tự mình tác chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Ngay đây, vị ấy thành tựu giới của bậc Vô học, tam-muội của bậc Vô học, trí tuệ của bậc Vô học, giải thoát của bậc Vô học.

Như vậy, này Ma-ha-nam! Đó là những gì Thế Tôn nói về giới của bậc Hữu học, tam-muội của bậc Hữu học, trí tuệ của bậc Hữu học, giải thoát của bậc Hữu học; giới của bậc Vô học, tam-muội của bậc Vô học, tuệ của bậc Vô học, giải thoát của bậc Vô học.

Khi Thích Ma-ha-nam nghe Tôn giả A-nan chỉ dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Ma-ha-nam vừa đi chưa lâu, liền hỏi Tôn giả A-nan:

– Họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có thể cùng các Tỳ-kheo bàn luận nghĩa lý sâu xa chăng?

Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Kính vâng, bạch Thế Tôn! Họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ có thể cùng bàn luận nghĩa lý sâu xa với các Tỳ-kheo.

Phật bảo A-nan:

– Những người họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ sẽ nhanh chóng được lợi ích tốt lành, vì bằng tuệ nhãn của Hiền thánh có thể thâm nhập vào pháp Phật sâu xa.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*** 

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.934. 0238c29). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.158. 0433c02); A. 3.73 - I. 219.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.