Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 33

932. THÀNH TỰU MƯỜI MỘT PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo tập hợp tại trai đường để may y cho Thế Tôn. Lúc ấy, Thích Ma-ha-nam nghe các Tỳ-kheo tập hợp tại trai đường để may y cho Thế Tôn và nói với nhau rằng: “Sau ba tháng an cư không bao lâu, khi may y xong, Thế Tôn sẽ đắp y, ôm bát du hóa trong nhân gian.” Nghe xong, Ma-hanam đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:

_ Kính bạch Thế Tôn! Tay chân của con hôm nay như rã rời, bốn phương chao đảo, những pháp đã nghe bây giờ quên hết khi nghe tin có số đông Tỳkheo tập hợp tại trai đường để may y cho Thế Tôn và nói với nhau rằng: “Sau ba tháng an cư không bao lâu, khi y đã may xong, Thế Tôn sẽ đắp y, ôm bát du hóa trong nhân gian.” Cho nên, nay con suy nghĩ: “Không biết lúc nào mới được gặp lại Thế Tôn và các Tỳ-kheo quen biết?” Phật nói với Ma-ha-nam rằng:

_ Dù ông có gặp hay không gặp Như Lai, có gặp các Tỳ-kheo hay không gặp các Tỳ-kheo thì chỉ cần niệm tưởng năm pháp và tinh cần tu tập.

Này Ma-ha-nam! Nên lấy chánh tín làm nền tảng, chứ không phải không có chánh tín; nên lấy giới đầy đủ, nghe pháp đầy đủ, bố thí đầy đủ, trí tuệ đầy đủ làm nền tảng, chứ không phải không có trí tuệ.

Như vậy, này Ma-ha-nam! Hãy nương tựa vào năm pháp này mà tu sáu pháp nhớ nghĩ. Những gì là sáu? Ma-ha-nam! Đó là nhớ nghĩ về Như Lai. Hãy nhớ nghĩ như vầy: “Như Lai là bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác... (cho đến) Ngài là Phật, là Thế Tôn. Nên niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí và niệm thiên... (cho đến) tự mình hành trì, đạt được trí tuệ.”

Như vậy, này Ma-ha-nam! Vị Thánh đệ tử thành tựu mười một pháp thì sự tu tập hoàn toàn không bị bại hoại, có khả năng tri kiến, có khả năng quyết định, an trụ cửa giải thoát, tiếp cận hương vị giải thoát, tuy không hoàn toàn nỗ lực nhưng sẽ nhanh chóng chứng đắc giải thoát Niết-bàn.

Ví như gà mẹ ấp trứng, hoặc năm hay mười trứng, tùy thời trông nom, thương yêu, bảo vệ và chăm sóc, giả sử đôi lúc gà mẹ lơ đãng, nhưng gà con vẫn có thể dùng móng hoặc dùng mỏ mổ vỡ trứng để chui ra. Vì sao như vậy? Vì gà mẹ lúc ban đầu đã biết tùy thời ấp ủ, khéo thương yêu, bảo vệ. Cũng vậy, vị Thánh đệ tử thành tựu mười một pháp là đã trụ vào con đường tu tập thì chung cuộc không bao giờ bại hoại... (cho đến) tuy không hoàn toàn nỗ lực, nhưng sẽ nhanh chóng chứng đắc giải thoát Niết-bàn.[2]

Đức Phật nói kinh này xong, Thích Ma-ha-nam nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi đi ra.

***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.932. 0238b10). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.157. 0433b10); A. 11.11 - V. 328. 

[2] Câu chuyện gà mẹ (伏雞, kukkuṭī) ấp trứng, xem thêm trong M. 53, Sekha Sutta (Kinh Hữu học).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.