Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 33
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ trong vườn Ni-câu-luật, tại nước Ca-tỳ-la-vệ.
Bấy giờ, Thích Ma-ha-nam đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Kính bạch Thế Tôn! Nếu Tỳ-kheo ở giai vị Hữu học[2] có lòng mong cầu hướng thượng, trụ Niết-bàn an ổn, nhưng chưa đạt được, người ấy phải tu tập, an trụ tu tập, thuần thục những gì trong giáo pháp này để có thể dứt sạch các lậu, thành tựu tâm vô lậu giải thoát, được tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại tự biết, tự ngộ: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh”?
Phật bảo Ma-ha-nam:
_ Nếu Tỳ-kheo đang còn ở giai vị Hữu học, muốn tiến lên Niết-bàn an ổn mà chưa đạt được, Tỳ-kheo ấy nên tu sáu tùy niệm... (cho đến) đạt được quả vị Niết-bàn. Ví như một người bị đói khát nên thân thể gầy yếu, nếu được bồi dưỡng những thức ăn ngon thì thân thể trở nên mập mạp. Cũng vậy, Tỳ-kheo đang ở giai vị Hữu học muốn tiến lên cảnh giới Niết-bàn an ổn mà chưa đạt được nên tu sáu tùy niệm... (cho đến) nhanh chóng chứng đắc Niết-bàn an ổn.
Những gì là sáu niệm? Đó là vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về những phẩm tính của Như Lai: “Đức Như Lai là bậc Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Khi vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ như vậy thì không còn khởi niệm tham dục, không khởi tâm sân hận, ngu si. Nhờ tâm vị ấy chánh trực nên thấu đạt ý nghĩa Như Lai[3] và nhận được Chánh pháp của Như Lai. Ở trong Chánh pháp Như Lai vị ấy đạt được tâm tùy hỷ đối với Như Lai. Do tâm tùy hỷ nên sanh hoan hỷ, do tâm hoan hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên cảm giác thọ lạc, do hỷ lạc mà tâm được định tĩnh. Do tâm đã định tĩnh nên vị Thánh đệ tử ấy dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm nhưng vẫn không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp... (cho đến) Niết-bàn.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về phẩm tính của Pháp: “Giáo pháp Thế Tôn, thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niếtbàn và được người trí tự mình giác hiểu.”[4] Khi vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về Pháp như vậy thì không còn khởi tham dục, sân hận, ngu si... (cho đến) nhờ huân tập nhớ nghĩ về Pháp mà được tiến lên quả vị Niết-bàn.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về những phẩm tính của Tăng: “Đệ tử của đức Thế Tôn là những bậc hướng về nẻo lành,[5] hướng về chân chánh,[6] hướng theo chân lý,[7] hướng theo chân thật,[8] tuần tự thực hành theo pháp.[9] Có những vị hướng đến Tu-đà-hoàn, chứng quả Tu-đà-hoàn; hướng đến Tưđà-hàm, chứng quả Tư-đà-hàm; hướng đến A-na-hàm, chứng quả A-na-hàm; hướng đến A-la-hán, chứng quả A-la-hán. Đây là bốn đôi tám bậc Hiền thánh. Đó gọi là Tăng, đệ tử của Thế Tôn, có đầy đủ tịnh giới, đầy đủ thiền định, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ giải thoát và đầy đủ giải thoát tri kiến, đáng được cung đón, tôn kính cúng dường, là ruộng phước tốt. Khi vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về Tăng như vậy thì không khởi tham dục, sân hận, ngu si... (cho đến) nhờ huân tập nhớ nghĩ về Tăng nên được tiến lên quả vị Niết-bàn.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về giới thanh tịnh của mình như vầy: “Giới không bị hư hoại, giới không bị khiếm khuyết, giới không nhiễm ô, giới không tạp loạn, giới không bị người khác chiếm đoạt, giới khéo được hộ trì, giới được người sáng suốt ca ngợi, giới được người trí không nhàm chán.” Vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về giới như vậy nên không khởi tham dục, sân hận, ngu si... (cho đến) huân tập nghĩ về giới mà được tiến lên quả vị Niết-bàn.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ việc làm bố thí của mình như vầy: “Ta được lợi ích tốt lành, ở giữa những chúng sanh bỏn xẻn, keo kiệt mà ta lìa được tâm keo kiệt, bỏn xẻn, sống như bậc không nhà[10] để thực hành bố thí giải thoát, thường tự tay bố thí, vui thích thực hành pháp buông xả, bố thí đầy đủ và bình đẳng.” Lúc vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về bố thí như vậy thì không khởi tâm tham dục, sân hận, ngu si... (cho đến) nhờ huân tập nhớ nghĩ bố thí nên được tiến lên cảnh giới Niết-bàn.
Lại nữa, vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về phẩm tính của chư thiên như vầy: “Có cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Ba Mươi Ba, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại. Nếu ai có niềm tin chân chánh, khi qua đời ở đây thì sẽ sanh lên các cõi trời kia. Ta cũng thực hành với niềm tin chân chánh như vậy. Các vị trời kia đã thành tựu tịnh giới, có bố thí, nghe pháp, buông xả, trí tuệ, nên khi qua đời ở đây đã sanh lên cõi trời ấy. Nay ta cũng sẽ thực hành tịnh giới, sẽ bố thí, nghe pháp, buông xả, trí tuệ như vậy.” Khi vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ về những phẩm tính của chư thiên như vậy thì không còn khởi tham dục, sân hận, ngu si, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào chư thiên. Do tâm chánh trực như vậy mà vị Thánh đệ tử kia đạt được lợi ích sâu xa về pháp, lợi ích sâu xa về nghĩa lý, được tùy hỷ lợi ích của chư thiên. Do tâm tùy hỷ nên sanh hoan hỷ, nhờ tâm hoan hỷ mà thân khinh an, thân đã khinh an thì cảm nhận được hỷ lạc, nhờ sự hỷ lạc mà tâm được an định. Do tâm đã an định nên vị Thánh đệ tử ấy dù ở giữa những chúng sanh hung hiểm, vẫn không bị các chướng ngại, được vào dòng nước pháp... (cho đến) Niết-bàn. Do huân tập nhớ nghĩ về chư thiên nên được tiến lên cảnh giới Niết-bàn.
Này Ma-ha-nam! Nếu Tỳ-kheo nào còn ở giai vị Hữu học, muốn cầu lên quả vị Niết-bàn an lạc mà tu tập thuần thục như vậy thì chắc chắn nhanh chóng chứng đắc Niết-bàn, ở trong Chánh pháp và Giới luật các lậu nhanh chóng diệt tận, thành tựu tâm giải thoát vô lậu, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự mình tác chứng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.”
Bấy giờ, Thích Ma-ha-nam nghe Phật chỉ dạy tâm rất hoan hỷ và tùy hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ và ra về.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.931. 0237c09). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.156. 0432b28); A. 6.9 - III. 284; A. 6.25 - III. 312.
[2] Nguyên tác: Học địa (學地, Sekhabhūmi): Giai vị Hữu học, chỉ cho các quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm.
[3] Nguyên tác: Nghĩa (義, attha), vừa có nghĩa “lợi ích” vừa có nghĩa là “ý nghĩa.”
[4] Nguyên tác: Hiện pháp năng ly sanh tử xí nhiên, bất đãi thời tiết, thông đạt hiện pháp, duyên tự giác tri (現法能離生死熾然, 不待時節, 通達現法, 緣自覺知). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).
[5] Nguyên tác: Thiện hướng (善向, suppaṭipanna): Hướng về điều tốt lành.
[6] Nguyên tác: Chánh hướng (正向, ujuppaṭipanna): Hướng về điều chân chánh.
[7] Nguyên tác: Trực hướng (直向, ñāyappaṭipanna): Hướng theo chân lý.
[8] Nguyên tác: Thành hướng (誠向, sāmīcippaṭipanna): Hướng về điều chân thật.
[9] Nguyên tác: Tùy thuận pháp (隨順法). Xem chú thích 68, kinh số 27, quyển 1, tr. 24; Tạp. 雜 (T 0099.27. 0005c20).
[10] Nguyên tác: Xử ư phi gia (處於非家).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.