Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 33

928. CƯ SĨ VÀ A-NA-HÀM[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Ni-câu-luật, nước Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, có người họ Thích tên là Ma-ha-nam cùng với năm trăm ưu-bà-tắc đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ưu-bà-tắc?

Phật đáp:

– Ưu-bà-tắc là người tại gia sống đời trong sạch... (cho đến) “Con nay trọn đời quy y Tam bảo, làm ưu-bà-tắc. Xin chứng tri cho con!”

Ma-ha-nam lại bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn?

Phật nói với Ma-ha-nam:

– Ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn nghĩa là vị ấy đã đoạn tận, đã biến tri ba kiết sử: Thân kiến, giới thủ và nghi. Này Ma-ha-nam! Đây gọi là ưu-bà-tắc Tu-đà-hoàn.

Ma-ha-nam lại bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm?

Phật nói với Ma-ha-nam:
– Ưu-bà-tắc đã đoạn tận, đã biến tri ba kiết sử, giảm thiểu tham dục, sân hận và si mê.

Này Ma-ha-nam! Đây gọi là ưu-bà-tắc Tư-đà-hàm.

Ma-ha-nam bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là ưu-bà-tắc A-na-hàm?

Phật bảo Ma-ha-nam:

– Ưu-bà-tắc A-na-hàm là vị đã đoạn tận, đã biến tri năm hạ phần kiết sử gồm thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục và sân hận. Này Ma-ha-nam! Đây gọi là ưu-bà-tắc A-na-hàm.

Bấy giờ, Ma-ha-nam quay lại nhìn năm trăm ưu-bà-tắc và nói rằng:

– Hay thay, các vị ưu-bà-tắc sống tại gia thanh tịnh lại được công đức sâu xa như vậy!

Ưu-bà-tắc Ma-ha-nam nghe đức Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật rồi rời đi.

***

 

Chú thích

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.928. 0236c11). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.153. 0431b24); S. 55.49 - V. 404.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.