Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 32
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật giáo hóa trong nhân gian tại xứ Lực Sĩ[2] rồi đến thôn Uất-tỳ-la[3] và nghỉ trong rừng Anh Vũ Diêm-phù.
Bấy giờ, có thôn trưởng Kiệt-đàm[4] nghe tin Sa-môn Cù-đàm giáo hóa trong nhân gian tại xứ Lực Sĩ rồi đến thôn Uất-tỳ-la, nghỉ trong rừng Anh Vũ Diêm-phù và thuyết pháp về nguyên nhân của khổ và khổ diệt ở trong đời hiện tại. Kiệt-đàm liền suy nghĩ: “Ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Nếu ta đến chỗ Sa-môn Cù-đàm thì nhất định Ngài sẽ vì ta mà giảng nói về nguyên nhân của khổ và khổ diệt ở trong đời hiện tại.”
Nghĩ vậy, thôn trưởng liền đi đến thôn Uất-tỳ-la, nơi Phật đang an trú, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con nghe Thế Tôn thường giảng nói về nguyên nhân của khổ và khổ diệt ngay trong đời hiện tại cho mọi người. Lành thay, Thế Tôn! Xin Ngài hãy vì con mà nói về nguyên nhân của khổ và khổ diệt ở trong đời hiện tại.
Phật nói với thôn trưởng:
_ Nếu Ta nói về nguyên nhân của khổ và khổ diệt đã xảy ra trong quá khứ thì không biết đối với pháp ấy ông tin hay không tin, mong muốn hay không mong muốn, nghĩ nhớ hay chẳng nghĩ nhớ, ưa thích hay chẳng ưa thích? Hiện tại ông có khổ không? Nếu Ta nói về nguyên nhân của khổ và khổ diệt ở trong đời tương lai thì không biết đối với điều ấy ông có tin hay không tin, mong muốn hay chẳng mong muốn, nghĩ nhớ hay chẳng nghĩ nhớ, ưa thích hay chẳng ưa thích? Hiện tại ông có khổ không? Hôm nay, Ta sẽ nói nguyên nhân của khổ và khổ diệt ở trong hiện tại.
Này thôn trưởng! Sở dĩ chúng sanh có các thứ khổ, đó đều là do dục làm cội gốc, từ dục sanh ra, từ dục tích tập, từ dục phát khởi, do dục làm nhân, do dục làm duyên mà phát sanh khổ.
Thôn trưởng bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Ngài nói pháp quá sơ lược, không giải thích rộng nên con còn có chỗ không hiểu được. Lành thay, Thế Tôn! Xin Ngài giải thích rộng hơn cho con được hiểu.
Phật bảo thôn trưởng:
_ Bây giờ, Ta hỏi ông, ông hãy trả lời tùy theo suy nghĩ của mình. Này thôn trưởng! Ông nghĩ sao, nếu chúng sanh ở trong thôn Uất-tỳ-la hoặc bị đánh, hoặc bị trói, hoặc bị quở trách, hoặc bị giết hại thì tâm của ông có cảm thấy lo buồn, khổ não không?
Thôn trưởng bạch Phật:
_ Thưa Thế Tôn! Chưa thể xác định được! Nếu con đối với các chúng sanh ở trong thôn Uất-tỳ-la này mà có sự mong mỏi, hy vọng, yêu mến, nghĩ nhớ, gần gũi, thân thiết thì khi họ bị trói hoặc bị đánh, hoặc bị quở trách hay bị giết hại, nhất định con sẽ lo buồn, khổ não. Nếu đối với những người ấy, con không có sự mong mỏi, hy vọng, yêu mến, nghĩ nhớ, cũng không gần gũi thân thiết thì khi họ có bị trói, bị đánh, bị quở trách, bị giết hại, con làm sao có thể sanh tâm lo buồn, khổ não?
Phật nói với thôn trưởng:
_ Vậy nên ông phải biết, chúng sanh có các thứ khổ phát sanh thảy đều do ái dục làm cội gốc, do ái dục sanh, do ái dục tích tập, do ái dục phát khởi, do ái dục làm nhân, do ái dục làm duyên mà sanh ra các khổ. Này thôn trưởng! Ông nghĩ thế nào? Nếu ông và cha mẹ chưa gặp nhau[5] thì có sanh mong mỏi, hy vọng, yêu mến, nghĩ nhớ không?
Thôn trưởng nói:
_ Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo thôn trưởng:
_ Này thôn trưởng! Ý ông thế nào? Nếu ông đã nương gá cha mẹ và thường thấy, thường nghe thì có sanh lòng thương nhớ không?
Thôn trưởng đáp:
_ Thưa có, bạch Thế Tôn!
Đức Phật lại hỏi:
_ Này thôn trưởng! Ông nghĩ thế nào? Nếu cha mẹ của ông bị vô thường biến đổi thì ông có lo buồn, khổ não không?
Thôn trưởng đáp:
_ Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Nếu cha mẹ của con bị vô thường biến đổi thì con sẽ đau khổ gần như chết, chứ đâu chỉ buồn thương, khổ não.
Phật nói với thôn trưởng:
_ Vậy nên ông phải biết, chúng sanh có các thứ khổ phát sanh thảy đều do ái dục làm cội gốc, do ái dục sanh, do ái dục tích tập, do ái dục phát khởi, do ái dục làm nhân, do ái dục làm duyên mà sanh ra các khổ.
Thôn trưởng nói:
_ Kỳ đặc thay, bạch Thế Tôn! Ngài đã khéo giảng nói ví dụ về cha mẹ như thế. Con cũng có cha mẹ hiện đang ở nơi khác. Hằng ngày con thường sai người đến thăm hỏi sức khỏe cha mẹ có an ổn không. Lúc người nhà chưa trở về thì con đã cảm thấy lo lắng khổ sở, huống gì cha mẹ bị vô thường thì làm sao không lo lắng khổ đau được.
Phật bảo thôn trưởng:
_ Vậy nên Ta nói, chúng sanh sở dĩ có các khổ não thảy đều do ái dục làm cội gốc, do ái dục sanh, do ái dục tích tập, do ái dục phát khởi, do ái dục làm nhân, do ái dục làm duyên mà sanh ra các khổ.
Phật nói với thôn trưởng:
_ Nếu có bốn đối tượng để thương yêu, để nhớ nghĩ và khi chúng bị vô thường biến đổi thì sẽ có bốn sự buồn đau phát sanh. Nếu có ba, hoặc hai, hoặc một đối tượng để thương yêu, để nhớ nghĩ và khi chúng bị vô thường biến đổi thì sẽ có ba, hoặc hai, hoặc một sự buồn đau phát sanh. Này thôn trưởng! Nếu không còn khởi niệm ái nhiễm thì không còn phiền não khổ đau.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Người nào không ái niệm thế gian,
Thì không bị buồn lo, khổ não,
Tất cả khổ đau đều dứt sạch,
Giống như hoa sen không dính nước.
Trong lúc Thế Tôn giảng nói pháp này, thôn trưởng Kiệt-đàm xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Bấy giờ, thôn trưởng Kiệt-đàm thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ giáo pháp, thể nhập giáo pháp, vượt khỏi nghi ngờ, không nương ai khác, không do ai khác mà được độ thoát, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Ông ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Con đã được độ, con đã vượt thoát. Từ nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng, nguyện suốt đời làm ưu-bà-tắc. Xin Thế Tôn thương tưởng gia hộ cho con.
Đức Phật nói kinh này xong, thôn trưởng Kiệt-đàm nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi rời đi.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.913. 0229c03). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.128. 0422c18); S. 42.11 - IV. 327.
[2] Nguyên tác: Lực Sĩ (力士, Mallā): Trú xứ của bộ tộc Mạt-la (末羅, Mallā). Người Mallā giỏi đấu vật nên Hán dịch là Lực Sĩ (力士).
[3] Uất-tỳ-la (欝鞞羅, Uruvelakappa).
[4] Kiệt-đàm (竭曇, Gandhagata hoặc Bhadragaka): Thôn trưởng Uruvelakappa và là cha của Ciravāsi.
[5] Nguyên tác: Nhữ y phụ mẫu bất tương kiến giả (汝依父母不相見者). Đoạn kinh này tối nghĩa. Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.128. 0423a18): Nếu đứa con của ông chưa sanh ra, chưa gá thai mẹ,
lúc chưa thấy chưa nghe, vào khi đó, phải chăng ông có lòng nhớ nghĩ và muốn âu yếm nó không? (若汝子未生, 未依於母, 未見聞時, 頗於彼所, 有欲親昵, 愛念心不?).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.