Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 32
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật an trụ bên hồ Yết-già,[2] tại nước Chiêm-bà.
Bấy giờ, có thôn trưởng Vương Đảnh[3] đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn nói với thôn trưởng Vương Đảnh:
_ Hiện nay chúng sanh chạy theo hai cực đoan. Đó là hai cực đoan nào? Một là, tham đắm năm dục, thuộc hạng phàm phu tầm thường, quê mùa, thấp kém. Hai là, tự làm khổ mình bằng lối sống sai lầm, vô nghĩa và không ích lợi gì.
Này thôn trưởng! Có ba hạng người thích hưởng thụ vật dục thuộc hạng phàm phu tầm thường, quê mùa, thấp kém; cũng có ba hạng người tự làm khổ mình bằng lối sống sai lầm, vô nghĩa và không ích lợi gì.
Này thôn trưởng! Ba hạng người nào thích hưởng thụ vật dục thuộc hạng phàm phu tầm thường, quê mùa, thấp kém?
Đó là kẻ hưởng thụ vật dục bằng cách lạm dụng, chiếm đoạt tài vật một cách phi pháp, nhưng không mang lại đời sống an vui cho bản thân, cũng không phụng dưỡng cho cha mẹ hay cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, người giúp việc, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết, cũng không biết tùy thời cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn để mong cầu quả báo an lạc, nơi ở tốt đẹp, đời sau sanh lên cõi trời. Đây gọi là hạng người thứ nhất hưởng thụ vật dục ở thế gian.
Lại nữa, này thôn trưởng! Có kẻ hưởng thụ vật dục bằng cách tìm cầu tài vật vừa hợp pháp vừa phi pháp để tự mang đến mọi sự an vui cho bản thân. Tuy biết phụng dưỡng cho cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, người giúp việc, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết nhưng không tùy thời cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn để mong cầu quả báo an lạc, nơi ở tốt đẹp, đời sau sanh lên cõi trời. Đây gọi là hạng người thứ hai hưởng thụ vật dục.
Lại nữa, thôn trưởng! Có người hưởng thụ vật dục bằng cách tìm cầu tài vật một cách hợp pháp chứ không phải lạm dụng, chiếm đoạt tài vật để tự thân hưởng thụ an vui, cũng biết phụng dưỡng cho cha mẹ, cung cấp đầy đủ cho anh em, vợ con, người giúp việc, bà con quyến thuộc, bạn bè quen biết, lại cũng biết tùy thời cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn để mong cầu quả báo an lạc, nơi ở tốt đẹp, đời sau sanh lên cõi trời. Đây gọi là hạng người thứ ba hưởng thụ vật dục.
Này thôn trưởng! Ta không cứng nhắc nói rằng tất cả những người hưởng thụ vật dục đều như nhau mà Ta nói trong số những người hưởng thụ vật dục thì có người thuộc hạng thấp kém, có người thuộc hạng bậc trung và có người thuộc hạng bậc thượng.
Thế nào là hạng người thấp kém hưởng thụ vật dục? Đó là hạng người lạm dụng, chiếm đoạt tài vật một cách phi pháp... (cho đến) không mong cầu quả báo an lạc, nơi ở tốt đẹp, đời sau sanh lên cõi trời. Đây gọi là hạng người thấp kém hưởng thụ vật dục mà Như Lai nói đến.
Thế nào là hạng người bậc trung hưởng thụ vật dục? Đó là hạng người hưởng thụ vật dục bằng cách tìm cầu tài vật vừa hợp pháp vừa phi pháp... (cho đến) không mong cầu đời sau sanh lên cõi trời. Đây gọi là hạng người bậc trung hưởng thụ vật dục mà Như Lai nói đến.
Thế nào là hạng người bậc thượng hưởng thụ vật dục? Nghĩa là người này dùng cách thức đúng pháp để tìm cầu tài vật... (cho đến) biết mong cầu đời sau sanh lên cõi trời. Đây gọi là hạng người bậc thượng hưởng thụ vật dục mà Như Lai nói đến.
Ba hạng người nào tự làm khổ mình? Đây là sự khổ vì sống không đúng pháp, không đúng đắn, vô nghĩa và không ích lợi.
Hạng người tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ, đầu tiên là phạm giới, làm ô nhiễm giới. Người ấy tu tập nhiều cách thức khổ hạnh, tinh cần, nỗ lực ở yên một chỗ, nhưng người ấy không dứt trừ được phiền não bức bách trong hiện tại, không được pháp thượng nhân,[4] không sống an lạc trong tri kiến thắng diệu. Này thôn trưởng! Đây gọi là hạng người thứ nhất tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.[5]
Lại có hạng người tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ, đầu tiên là không phạm giới, không ô nhiễm giới. Người ấy tu tập nhiều cách thức khổ hạnh, nhưng cũng không do điều này mà người ấy dứt trừ được phiền não bức bách trong hiện tại, hay được pháp thượng nhân, hay được sống an lạc trong tri kiến thắng diệu. Đây gọi là hạng người thứ hai tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.[6]
Lại có hạng người tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ, ban đầu là không phạm giới, không nhiễm ô giới. Người ấy tu tập nhiều cách thức khổ hạnh mà cũng không thể dứt trừ được phiền não bức bách trong hiện tại, [nhưng người ấy] chứng được pháp thượng nhân và trụ an lạc trong tri kiến thắng diệu.[7] Đây gọi là hạng người thứ ba tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ.
Này thôn trưởng! Ta không nói tất cả những người tự làm khổ mình bằng cách sống khắc khổ đều ngang bằng nhau mà Ta nói trong số họ có người thuộc hạng thấp kém, có người thuộc hạng bậc trung, có người thuộc hạng bậc thượng.
Thế nào là người tự làm khổ mình thuộc hạng thấp kém? Người này tự làm khổ, ban đầu là phạm giới, làm nhiễm ô giới... (cho đến) không được sống an lạc trong tri kiến thắng diệu. Đây là hạng người tự làm khổ mình thuộc hạng thấp kém mà Như Lai nói.
Thế nào là người tự làm khổ mình thuộc hạng bậc trung? Nghĩa là người tự làm khổ này, ban đầu không phạm giới, không làm nhiễm ô giới... (cho đến) không được sống an lạc trong tri kiến thắng diệu. Đây là hạng người tự làm khổ mình thuộc hạng bậc trung mà Như Lai nói.
Thế nào là người tự làm khổ mình thuộc hạng bậc thượng? Nghĩa là người tự làm khổ này, ban đầu không phạm giới, không làm nhiễm ô giới... (cho đến) được sống an lạc trong tri kiến thắng diệu. Đây gọi là hạng người tự làm khổ mình thuộc hạng bậc thượng mà Như Lai nói.
Này thôn trưởng! Đây là ba hạng người tự làm khổ mình một cách không đúng pháp, vô nghĩa và không ích lợi gì.
Này thôn trưởng! Có con đường, có sự thực hành không hướng đến ba hạng người phương tiện tùy thuận hưởng thụ vật dục thuộc hạng phàm phu tầm thường, quê mùa, thấp kém; lại cũng không hướng đến ba hạng người tự làm khổ mình một cách sai lầm, vô nghĩa và không ích lợi.
Này thôn trưởng! Những con đường nào? Những sự thực hành nào chẳng hướng đến ba hạng người hưởng thụ vật dục và ba hạng người tự làm khổ mình? Này thôn trưởng! Do bị tham dục làm trở ngại và ngăn che nên nghĩ đến tự hại mình, hoặc nghĩ đến hại người khác, hoặc nghĩ đến hại cả mình và người, khiến hiện tại và đời sau phải chịu tội báo cho việc làm này, tâm đầy buồn khổ; lại do sân hận, si mê ngăn che nên nghĩ đến tự hại mình, hoặc nghĩ đến hại người khác, hoặc nghĩ đến hại cả mình và người, khiến cho hiện tại và đời sau phải chịu tội báo này.
Nếu xa lìa sự chướng ngăn của tham dục, không nghĩ đến việc tìm cách tự hại mình, hại người, hại cả mình và người thì trong hiện tại và đời sau sẽ không bị tội báo này. Tâm và tâm pháp của vị ấy luôn được hỷ lạc. Cũng vậy, nếu xa lìa được sự chướng ngăn của sân hận và si mê, không nghĩ đến tự hại mình, không nghĩ đến hại người, cũng không nghĩ đến hại mình và hại người thì trong hiện tại và đời sau sẽ không lãnh chịu tội báo này. Tâm và tâm pháp của vị ấy luôn luôn được hỷ lạc, được pháp thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.37
37 Nguyên tác: Ư hiện pháp trung, viễn ly xí nhiên, bất đãi thời tiết, thân cận Niết-bàn, tức thử thân hiện, duyên tự giác tri (於現法中, 遠離熾然, 不待時節, 親近涅槃, 即此身現, 緣自覺知). Xem chú thích
59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).
Này thôn trưởng! Như vậy, con đường dẫn đến được pháp thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến... (cho đến) chánh định.
Trong lúc Thế Tôn giảng nói pháp này, thôn trưởng Vương Đảnh xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Bấy giờ, thôn trưởng Vương Đảnh thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ giáo pháp, thể nhập giáo pháp, vượt khỏi nghi ngờ, không nương ai khác, ở trong giáo pháp được tâm vô sở úy. Ông ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay bạch Phật:
– Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay, con đã được độ, xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng, từ nay đến suốt đời con nguyện làm ưu-bà-tắc.
Đức Phật nói kinh này xong, thôn trưởng nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ đức Phật rồi rời đi.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.912. 0228c15). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.127. 0421c24); S. 42.12 - IV. 330.
[2] Yết-già (揭伽, Gaggarā), tên hồ sen rất đẹp ở nước Chiêm-bà (瞻婆, Campā). Hồ sen này do Hoàng hậu Gaggarā xây dựng nên được gọi theo tên của bà.
[3] Nguyên tác: Vương Đảnh tụ lạc chủ (王頂聚落主, Rāsiyo gāmiṇi).
[4] Nguyên tác: Quá nhân pháp (過人法).
[5] Về hạng người thứ nhất này, S. 42.12 - IV. 330 ghi: “Vị ấy tự mình hành xác, hành khổ, nhưng không chứng được thiện pháp nào, không chứng ngộ thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh nào” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[6] Về hạng người thứ hai này, S. 42.12 - IV. 330 ghi: “Người ấy tự mình hành xác, hành khổ, chứng được thiện pháp, nhưng không chứng ngộ thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[7] Nguyên tác: Đắc quá nhân pháp thăng diệu tri kiến an lạc trụ (得過人法勝妙知見安樂住). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.127. 0422b10): Hoặc thành tựu chút ít pháp thượng nhân, hoặc chứng đạt phần nào về trí tuệ, hoặc đạt được pháp nhãn, hoặc thành tựu sơ khởi về thiền định (有少增進過人之法, 或得少智, 或得見法, 或少禪定). Xem thêm, S. 42.12 - IV. 330: “Chứng được thiện pháp, chứng ngộ thượng nhân pháp, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh” (HT. Thích Minh Châu dịch).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.