Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 32
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp đang trú tại giảng đường Lộc Tử Mẫu ở Đông Viên,[2] thuộc nước Xá-vệ. Sau giờ tọa thiền buổi chiều, Tôn giả đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và bạch:
_ Kính bạch Thế Tôn! Do nhân gì, duyên gì mà trước đây tuy Thế Tôn chế định ít giới điều cho các đệ tử,[3] nhưng có nhiều Tỳ-kheo vui thích tu tập; còn hiện nay tuy Thế Tôn chế định nhiều giới điều cho các đệ tử, nhưng lại có ít
Tỳ-kheo vui thích tu tập?[4]
Đức Phật nói:
_ Này Ca-diếp! Đúng như vậy. Vì thọ mạng ngắn ngủi, phiền não nhiễm ô, đời nhiều tai họa, chúng sanh xấu ác, nhận thức sai lầm và thiện pháp của chúng sanh tổn giảm. Cho nên, Đại sư vì các đệ tử mà chế định nhiều giới cấm, nhưng lại có ít người ưa thích tu tập.
Này Ca-diếp! Ví như lúc kiếp sắp hoại, tuy vật báu chân thật chưa biến mất, nhưng vật báu giả tạo tương tự lại xuất hiện ở thế gian. Khi vật báu giả tạo đã xuất hiện rồi thì vật báu chân thật sẽ mất. Cũng vậy Ca-diếp, khi Chánh pháp của Như Lai sắp diệt sẽ có Tượng pháp[5] sanh. Khi Tượng pháp đã xuất hiện ở thế gian thì Chánh pháp sẽ diệt. Ví như trong biển lớn, chiếc thuyền nào chở nhiều châu báu thì có nguy cơ bị chìm đắm. Tuy nhiên, Chánh pháp của Như Lai không giống như vậy mà chỉ dần dần suy giảm. Chánh pháp của Như Lai không bị đất làm hư hoại, không bị lửa, gió hay nước làm hư hoại. Cho đến khi có chúng sanh xấu ác xuất hiện ở thế gian, chúng thích tạo các điều ác, muốn làm các việc ác, đầy đủ các điều ác, điều phi pháp mà nói là Chánh pháp, Chánh pháp lại nói là phi pháp, phi luật mà nói là luật, luật lại nói phi luật, dùng văn chương hoa mỹ tương tợ Chánh pháp[6] thì Chánh pháp của Như Lai bấy giờ sẽ chìm mất.
Này Ca-diếp! Có năm nhân duyên có thể khiến cho Chánh pháp của Như Lai bị chìm mất. Đó là năm nhân duyên nào? Thứ nhất,[7] chúng đệ tử[8] đối với Đại sư không có tâm cung kính, không tôn trọng và không chí thành phụng sự;[9] đã không có tâm cung kính, không tôn trọng và không chí thành phụng sự đối với Đại sư mà vẫn nương tựa để sống. Thứ hai, đối với giáo pháp. Thứ ba, đối với học giới. Thứ tư, đối với thứ lớp của giáo pháp.[10] Thứ năm, đối với các Phạm hạnh được Đại sư khen ngợi thì lại không có tâm cung kính, tôn trọng và không chí thành phụng sự mà vẫn nương tựa để sống. Này Ca-diếp, đây là năm nhân duyên khiến cho Chánh pháp của Như Lai chìm mất.
Này Ca-diếp! Cũng có năm nhân duyên giúp cho Giáo pháp và Giới luật của Như Lai không bị diệt mất, không bị lãng quên, không bị suy giảm. Đó là năm nhân duyên nào? Thứ nhất, chúng đệ tử của Như Lai đối với Đại sư luôn biết cung kính, tôn trọng, chí thành phụng sự và nương theo để tu tập. Thứ hai, đối với giáo pháp. Thứ ba, đối với học giới. Thứ tư, đối với thứ lớp của giáo pháp. Thứ năm, đối với các Phạm hạnh được Đại sư khen ngợi thì luôn biết cung kính, tôn trọng, chí thành phụng sự và nương theo để tu tập. Đây là năm nhân duyên giúp cho Giáo pháp và Giới luật của Như Lai không bị diệt mất, không bị lãng quên và không bị suy giảm. Vì thế, Ca-diếp! Các thầy cần phải học tập như vầy: “Đối với Đại sư, phải nên cung kính, tôn trọng, chí thành phụng sự và nương theo để tu tập. Hoặc đối với giáo pháp, đối với học giới, đối với thứ lớp của giáo pháp và đối với các Phạm hạnh được Đại sư khen ngợi, cũng phải nên cung kính, tôn trọng, chí thành phụng sự và nương theo để tu tập.”
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi rời đi.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.906. 0226b25). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.121. 0419b14); S. 16.13 - II. 223.
[2] Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂). Xem chú thích 121, kinh số 58, quyển 2, tr. 62; Tạp. 雜 (T.02. 0099.58. 0014b12).
[3] Nguyên tác: Thanh văn (聲聞, Sāvaka).
[4] Tham chiếu: S. 16.13 - II. 223: Ko nu kho, bhante, hetu ko paccayo, yena pubbe appatarāni ceva sikkhāpadāni ahesuṃ bahutarā ca bhikkhū aññāya saṇṭhahiṃsu? Ko pana, bhante, hetu ko paccayo, yenetarahi bahutarāni ceva sikkhāpadāni appatarā ca bhikkhū aññāya saṇṭhahantīti? (Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, thuở trước học giới có ít hơn, nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí nhiều hơn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ngày nay học giới có nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo chứng đắc chánh trí ít hơn?), HT. Thích Minh Châu dịch.
[5] Nguyên tác: Tương tự Tượng pháp (相似像法, Saddhammappatirūpakaṃ): Giống với Chánh pháp, nghĩa đen là giả mạo Chánh pháp.
[6] Nguyên tác: Cú vị xí nhiên (句味熾然). Cú vị (句味, byañjana), chỉ cho văn chương; “xí nhiên” (熾然): Rực sáng. Trong nghĩa văn chương là sự bóng bẩy, mượt mà, hoa mỹ. Tham chiếu: S. 11.7 - II. 166: “Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến Không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo. Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến Không, sẽ đi đến tiêu diệt” (HT. Thích Minh Châu dịch).
[7] Nguyên tác không nêu số thứ tự. Bản dịch bổ sung để kinh văn sáng tỏ.
[8] Nguyên tác: Tỳ-kheo (比丘). Ở đây hàm nghĩa 4 chúng đệ tử Phật chứ không riêng chúng Tỳ-kheo. Tham chiếu: S. 16.13 - II. 223.
[9] Nguyên tác: Cúng dường (供養, pūjā). Có tự căn pūj, ngoài nghĩa cúng dường còn mang nghĩa tôn kính, lễ bái, phụng sự.
[10] Nguyên tác: Tùy thuận giáo (隨順教). Theo Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.28. 0437a15) chỉ cho thứ lớp của giáo pháp.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.