Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 32

 

918. BA LOẠI NGỰA TỐT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Thế gian có ba loại ngựa hay. Là ba loại nào? Có loại ngựa nhanh nhẹn đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ; có loại ngựa nhanh nhẹn đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ; có loại ngựa nhanh nhẹn đầy đủ, sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ.

Ở trong Chánh pháp và Giới luật của Như Lai cũng có ba hàng thiện nam. Là ba hàng thiện nam nào? Đó là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ; có hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ; có hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ.

Thế nào là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ? Đó là hàng thiện nam biết như thật Thánh đế về khổ, biết như thật Thánh đế về nguyên nhân của khổ, biết như thật Thánh đế về khổ diệt và biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến khổ diệt. Khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy rồi, vị ấy đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục và sân hận. Sau khi đã đoạn được năm hạ phần kiết sử này rồi, vị ấy được Sanh Bát-niết-bàn, chứng A-na-hàm, không còn sanh lại cõi đời này nữa. Đây gọi là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ. Thế nào là sắc không đầy đủ? Nghĩa là nếu có người hỏi về Luận, về Luật thì họ không có khả năng dùng lời lẽ và diệu nghĩa để lần lượt theo đó mà định đoạt giải thích. Đây gọi là sắc không đầy đủ. Thế nào là hình thể không đầy đủ? Nghĩa là hạng người không có đức độ và tiếng tăm để khiến cho thí chủ phát tâm cúng dường các món cần dùng như là y phục, thực phẩm, thuốc thang trị bệnh. Đây gọi là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ.

Thế nào là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ? Đó là hàng thiện nam khéo biết như thật Thánh đế về khổ này... (cho đến) đạt được Sanh Bát-niết-bàn, chứng A-na-hàm, không còn sanh lại cõi đời này nữa. Đây gọi là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ. Thế nào là hàng thiện nam có sắc đầy đủ? Nghĩa là nếu có người hỏi về Luận, về Luật thì họ có khả năng dùng lời lẽ và diệu nghĩa để lần lượt theo đó mà quyết định giải thích. Đây gọi là sắc đầy đủ. Thế nào là hàng thiện nam hình thể không đầy đủ? Nghĩa là người không có đức độ và tiếng tăm để khiến cho thí chủ phát tâm cúng dường các món cần dùng như là y phục, thực phẩm, thuốc thang trị bệnh. Đây gọi là hàng thiện nam có nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ.

Thế nào là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ? Đó là hàng thiện nam khéo biết như thật Thánh đế về khổ này... (cho đến) đạt được Sanh Bát-niết-bàn, chứng A-na-hàm, không còn sanh lại cõi đời này nữa. Đây gọi là hàng thiện nam nhạy bén đầy đủ. Thế nào là hàng thiện nam có sắc đầy đủ? Nghĩa là nếu có người hỏi về Luận, về Luật... (cho đến) khéo vì họ mà giải thích. Đây gọi là sắc đầy đủ. Thế nào là có hình thể đầy đủ? Nghĩa là người có đức độ và tiếng tăm có thể khiến cho thí chủ phát tâm cúng dường các vật dụng cần dùng... (cho đến) thuốc thang trị bệnh. Đây gọi là thiện nam có hình thể đầy đủ. Đây gọi là hàng thiện nam có sự nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.[2]

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.918. 0232c29). Tham chiếu: 0100.144. 0428c16); A. 3.138 - I. 289.

[2] Bản Hán, hết quyển 32.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.