Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 32
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế gian có ba loại ngựa được điều phục. Là ba loại nào? Có loại ngựa sự nhanh nhẹn đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ và hình thể không đầy đủ; có loại ngựa sắc đầy đủ, sự nhanh nhẹn đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ; có loại ngựa sự nhanh nhẹn đầy đủ, sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ. Cũng vậy, có ba hạng người được điều phục. Là ba hạng người nào? Có hạng người sự nhạy bén đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình dáng không đầy đủ; có hạng người sự nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình dáng không đầy đủ; có hạng người sự nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ và hình dáng cũng đầy đủ.
Này các Tỳ-kheo! Thế nào là hạng người chưa được điều phục, dù có sự nhạy bén đầy đủ, sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ? Đó là hạng người biết như thật rằng: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt.” Quán sát như vậy mà đoạn trừ ba kiết sử là thân kiến, giới thủ và nghi. Khi đã đoạn sạch ba kiết sử này thì được quả Tu-đàhoàn, không còn đọa vào đường ác, quyết định thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần trở lại cõi trời, cõi người, rồi sau đó hoàn toàn vượt thoát khổ đau. Đây gọi là người nhạy bén đầy đủ. Thế nào là người sắc không đầy đủ? Nghĩa là nếu có người hỏi về Luận và Luật thì không thể dùng lời nói và diệu nghĩa đầy đủ rồi giải thích trọn vẹn theo thứ tự. Đây gọi là hạng người sắc không đầy đủ. Thế nào là người hình thể không đầy đủ? Nghĩa là hạng người không có đức độ và tiếng tăm để khiến cho thí chủ phát tâm cúng dường các món cần dùng như là y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc thang... Đây gọi là người nhạy bén đầy đủ, nhưng sắc không đầy đủ, hình thể không đầy đủ.
Thế nào là hạng người có sự nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ nhưng hình thể không đầy đủ? Đó là hạng người biết như thật rằng: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt... (cho đến) hoàn toàn vượt thoát khổ đau. Đây là hạng người nhạy bén đầy đủ. Thế nào là người sắc đầy đủ? Nghĩa là nếu có người hỏi về Luận và Luật... (cho đến) có thể vì họ mà giải thích. Đây gọi là sắc đầy đủ. Thế nào là người hình thể không đầy đủ? Nghĩa là người không có đức độ lớn và tiếng tăm để khiến cho thí chủ phát tâm cúng dường các món cần dùng như là y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc thang... Đây gọi là hạng nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ, nhưng hình thể không đầy đủ.
Thế nào là hạng người có sự nhạy bén đầy đủ, có sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ? Đó là hạng người biết như thật rằng: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt và đây là con đường đưa đến khổ diệt... (cho đến) hoàn toàn vượt thoát khổ đau. Đây là hạng người có sự nhạy bén đầy đủ. Thế nào là người có sắc đầy đủ? Nghĩa là nếu có người hỏi về Luận và Luật... (cho đến) có thể vì họ mà giải thích. Đây gọi là người có sắc đầy đủ. Thế nào là người có hình thể đầy đủ? Đó là người có đức độ và tiếng tăm... (cho đến) giường nằm, thuốc thang trị bệnh. Đây gọi là người có hình thể đầy đủ. Như vậy gọi là người có sự nhạy bén đầy đủ, sắc đầy đủ và hình thể cũng đầy đủ.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.917. 0232b24). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.918. 0232c29); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.143. 0428b04); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.144. 0428c16); A. 3.140 - I. 287; A. 3.141 - I. 289; A. 9.22 - IV. 397.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.