Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 32
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Hảo Y Am-la, tại thôn Na-la.
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị là đệ tử của Ni-kiền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn hỏi thôn trưởng:
_ Ông muốn luận bàn về điều gì? Ni-kiền Nhã-đề tử[2] đã nói những điều gì?
Thôn trưởng thưa:
_ Bạch Thế Tôn! Ni-kiền Nhã-đề tử nói như vầy: “Tất cả những người sát sanh đều bị đọa vào địa ngục, vì do họ gây tạo [nghiệp ấy] nhiều nên mới dẫn đến sanh vào nơi ấy. Cũng vậy, trộm cướp, tà dâm, nói dối đều đọa vào địa ngục, vì do họ gây tạo [nghiệp ấy] nhiều nên mới dẫn đến đọa vào nơi ấy.” Phật nói với thôn trưởng:
_ Như Ni-kiền Nhã-đề tử nói: “Những người sát sanh đều bị đọa vào địa ngục, vì họ gây tạo [nghiệp ấy] nhiều nên mới dẫn đến sanh vào nơi ấy.” Nếu vậy sẽ không có chúng sanh nào đọa địa ngục. Này thôn trưởng, ý ông nghĩ sao? Có những chúng sanh nào mà ở trong mọi thời khắc đều có tâm sát sanh? Lại ở trong thời điểm nào thì họ có tâm không sát sanh... (cho đến) lúc nào có tâm nói dối, lúc nào có tâm không nói dối?
Thôn trưởng bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Trọn cả ngày đêm, con người ít khi có tâm sát sanh... (cho đến) ít khi có tâm nói dối mà phần nhiều là không có tâm sát sanh... (cho đến) không có tâm nói dối.
Phật nói với thôn trưởng:
_ Nếu như vậy thì phải chăng sẽ không có người đọa vào địa ngục ư? Như Ni-kiền nói: “Tất cả những người sát sanh đều bị đọa vào địa ngục, vì họ gây tạo [nghiệp ấy] nhiều nên mới dẫn đến sanh vào nơi ấy... (cho đến nói dối cũng giống như vậy).”
Này thôn trưởng! Bậc Đại sư kia xuất hiện ở thế gian, bằng giác tưởng suy lường, thể nhập cõi giác tưởng rồi an trú ở địa vị phàm phu. Vị ấy tự đặt ra điều luận thuyết rồi suy lường theo ý riêng, sau đó vì các đệ tử mà nói pháp như vầy: “Tất cả những người sát sanh đều bị đọa vào địa ngục, vì họ gây tạo [nghiệp ấy] nhiều nên mới dẫn đến sanh vào nơi ấy... (cho đến nói dối cũng giống như vậy).” Các đệ tử của vị ấy nếu tin vào những lời vị ấy nói và cho rằng: “Đại sư của ta biết những điều cần biết, thấy những điều cần thấy, khéo vì đệ tử mà nói như vầy: ‘Tất cả những người sát sanh đều bị đọa vào địa ngục, vì họ gây tạo [nghiệp ấy] nhiều nên mới dẫn đến sanh vào nơi ấy.’ Ta nay vốn sẵn có tâm sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối nên sẽ đọa vào địa ngục.” Do có kiến chấp như vậy, thậm chí không xả bỏ kiến chấp này, không chán ghét việc làm ấy, chẳng biết ăn năn tội kia, cho nên mãi đến đời tương lai cũng chẳng từ bỏ nghiệp sát sanh... (cho đến) không dứt bỏ nghiệp nói dối. Vị ấy với tâm giải thoát không đầy đủ, tuệ giải thoát cũng không đầy đủ. Do tâm giải thoát và tuệ giải thoát không đầy đủ nên vị ấy rơi vào tà kiến, hủy báng Hiền thánh. Do nhân duyên tà kiến nên khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ rơi vào đường ác, sanh trong địa ngục.
Như vậy, này thôn trưởng! Có nhân, có duyên khiến chúng sanh phiền não; có nhân, có duyên khiến chúng sanh tạo nghiệp phiền não.
Này thôn trưởng! Đấng Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn thị hiện ở thế gian luôn vì chúng sanh mà quở trách việc sát sanh, khen ngợi việc không sát sanh; quở trách việc trộm cướp, tà dâm, nói dối; khen ngợi việc không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối; thường dùng Chánh pháp này để giáo hóa các đệ tử, khiến họ nghĩ nhớ, ưa thích, tin nhận, tôn trọng mà tự nói rằng: “Đại sư của ta biết rõ điều cần biết, thấy rõ điều cần thấy, quở trách việc sát sanh, khen ngợi việc không sát sanh... (cho đến) quở trách việc nói dối, khen ngợi việc không nói dối. Từ trước đến nay ta vì si mê, thiếu trí tuệ nên đã có tâm sát sanh; vì vậy nay ta ăn năn tự trách mình.” Tuy không thể khiến cho những nghiệp kia không sanh khởi nữa, nhưng nhờ sự ăn năn tự trách này mà đời tương lai được xa lìa nghiệp sát sanh... (cho đến) được xa lìa nghiệp trộm cướp, tà dâm, nói dối, đồng thời được đầy đủ tâm giải thoát hoàn toàn, đầy đủ tuệ giải thoát. Khi tâm giải thoát và tuệ giải thoát đã đầy đủ rồi thì vị ấy sẽ không hủy báng Hiền thánh và thành tựu được chánh kiến. Nhờ có chánh kiến nên được sanh về cõi lành, sanh lên cõi trời.
Như vậy, này thôn trưởng! Có nhân, có duyên khiến chúng sanh tạo nghiệp phiền não hoặc thanh tịnh.
Này thôn trưởng! Vị Thánh đệ tử đa văn ấy nên học tập như vầy: “Dù ngày hay đêm, tùy theo mọi thời khắc, phải luôn quan sát để biết tâm niệm sát sanh khởi lên ít, còn tâm không sát sanh khởi lên nhiều. Nếu có tâm sát sanh thì phải ăn năn tự trách mình không đúng, sai quấy; nếu không có tâm sát sanh, không oán không ghét thì tâm sanh tùy hỷ. Khi đã có tâm tùy hỷ thì hoan hỷ sanh; nhờ có hoan hỷ nên tâm khinh an; tâm đã khinh an nên tâm nhận được an lạc; do đã nhận được an lạc nên tâm an định; khi tâm đã an định thì tâm của vị Thánh đệ tử tương ưng với từ, không oán thù, không ganh ghét, không sân hận, tâm trải rộng vô lượng trùm khắp một phương, thể nhập rồi an trụ; trùm khắp hai phương, ba phương cho đến bốn phương, bốn hướng, phương trên, phương dưới, tất cả thế gian, tâm đều tương ưng với từ, không oán giận, không ganh ghét, không sân hận, rộng lớn vô lượng, khéo tu tập đầy khắp các phương, thể nhập rồi an trụ đầy đủ.”
Khi đó, Thế Tôn dùng móng tay lấy lên một ít đất rồi hỏi thôn trưởng Đao Sư Thị:
_ Này thôn trưởng! Thế nào, đất trong móng tay Như Lai nhiều hay đất ở đại địa nhiều?
Thôn trưởng bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Đất trên móng tay Thế Tôn rất ít, còn đất trên đại địa thì nhiều hơn gấp vô lượng, vô số.
Phật bảo thôn trưởng:
_ Giống như lượng đất trên móng tay rất ít so với lượng đất nơi đại địa nhiều vô lượng, cũng vậy, người khéo tu tập tâm tương ưng với từ, tu tập và tu tập thuần thục thì các nghiệp có hạn lượng, chỉ ít như số đất dính trên móng tay Như Lai, không thể đem đi, cũng không thể làm cho trụ lại. Cũng vậy, người biết dùng tâm bi để đối trị tâm trộm cướp, dùng tâm hỷ để đối trị tâm tà dâm, dùng tâm xả để đối trị tâm nói dối thì các nghiệp có hạn lượng, không thể đem so sánh được.
Trong lúc Thế Tôn giảng nói pháp này, thôn trưởng Đao Sư Thị xa lìa trần cấu, được pháp nhãn tịnh. Bấy giờ, thôn trưởng thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ giáo pháp, thể nhập giáo pháp, vượt khỏi nghi ngờ, không nương ai khác, không do ai khác mà được độ thoát, ở trong giáo pháp được vô sở úy. Ông ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật:
_ Kính bạch Thế Tôn! Con đã được độ, con đã vượt thoát. Từ nay, con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng, nguyện suốt đời làm ưu-bà-tắc.
Thưa Thế Tôn! Ví như có người muốn có ánh sáng đèn, liền dùng đuôi ngựa để làm tim đèn; người ấy muốn thổi cho lửa cháy sáng, nhưng cuối cùng thì không thể cháy sáng, chỉ luống công nhọc sức mình chứ đèn không bao giờ sáng. Con cũng như vậy, muốn tìm minh trí nơi các Ni-kiền tử si mê nên đã thân cận, hòa hợp và phụng sự một cách ngu si, uổng công nhọc sức mình mà chẳng có được minh trí. Thế nên, nay con lại xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng. Từ nay trở đi, đối với đường lối của Ni-kiền tử ngu si, bất thiện, thiếu hiểu biết kia, con không còn tin, không còn kính, không còn nghĩ đến, không còn yêu mến, nhất định xa lìa họ. Vì thế, nay lần thứ ba con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng, nguyện suốt đời làm ưu-bà-tắc, tự làm thanh tịnh tâm mình.
Bấy giờ, thôn trưởng Đao Sư Thị nghe Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi rời đi.
***
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.