Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 32

 

915. BA LOẠI RUỘNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Hảo Y Am-la, trong thôn Na-la.

Bấy giờ, có thôn trưởng Đao Sư Thị, trước đây là đệ tử của Ni-kiền, đi đến chỗ Ni-kiền đảnh lễ rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Ni-kiền nói với thôn trưởng:
– Ông có thể dùng phương pháp Tật-lê luận để luận nghị với Sa-môn Cù- đàm, khiến cho Sa-môn Cù-đàm nói không được mà không nói cũng không được chăng?

Thôn trưởng thưa với Ni-kiền:
– Thưa thầy! Như thế nào mới được gọi là Tật-lê luận, khiến cho Sa-môn Cù-đàm muốn nói không được mà không nói cũng không được?

Ni-kiền bảo thôn trưởng:
– Ông hãy đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm rồi nói như sau: “Có phải Sa-môn Cù-đàm luôn muốn an ủi tất cả chúng sanh, khen ngợi để an ủi tất cả chúng sanh chăng?” Nếu Ngài ấy trả lời với ông là “không” thì ông nên hỏi tiếp: “Vậy thì Sa-môn Cù-đàm có khác gì so với hàng phàm phu si mê?” Nếu được trả lời rằng: “Thường muốn an ủi tất cả chúng sanh, khen ngợi an ủi tất cả chúng sanh” thì ông nên hỏi lại rằng: “Nếu muốn an ủi tất cả chúng sanh thì vì lý do gì mà Cù-đàm chỉ thuyết pháp cho hạng người này mà lại không thuyết pháp cho hạng người kia?” Hỏi như vậy thì đó chính là Tật-lê luận, sẽ khiến cho Sa-môn Cù-đàm muốn nói cũng không được mà không nói cũng không được.

Sau khi được Ni-kiền khuyến khích, thôn trưởng liền đi đến chỗ Phật rồi cung kính chào hỏi. Chào hỏi xong, ông ngồi sang một bên và bạch Phật:
– Thưa Cù-đàm! Lẽ nào Ngài không luôn muốn an ủi tất cả chúng sanh, nói lời khen ngợi an ủi chúng sanh ư?

Phật nói với thôn trưởng:
– Như Lai luôn luôn thương xót an ủi tất cả chúng sanh, cũng thường nói lời khen ngợi an ủi tất cả chúng sanh.

Thôn trưởng lại bạch Phật:
– Nếu vậy thì vì cớ gì Như Lai chỉ nói pháp cho hạng người này mà không nói pháp cho hạng người kia?

Phật bảo thôn trưởng:
– Nay Ta hỏi ông, ông hãy trả lời tùy theo suy nghĩ của mình. Này thôn trưởng! Ví như có ba loại ruộng: Một là loại ruộng phì nhiêu, màu mỡ. Hai là loại ruộng trung bình. Ba là loại ruộng khô cằn. Thôn trưởng, ông nghĩ thế nào? Người chủ ruộng kia sẽ cày bừa và gieo trồng ở mảnh ruộng nào trước?

Thôn trưởng thưa:
– Bạch Cù-đàm! Người chủ ruộng kia sẽ cày bừa và gieo giống xuống thửa ruộng phì nhiêu màu mỡ trước nhất.

Đức Phật lại hỏi thôn trưởng:
– Này thôn trưởng, tiếp theo là cày bừa và gieo giống xuống thửa ruộng nào?

Thôn trưởng đáp:
– Thưa Cù-đàm! Người ấy sẽ cày bừa và gieo giống xuống thửa ruộng loại trung bình.

Đức Phật lại hỏi thôn trưởng:
– Tiếp đến họ sẽ cày bừa và gieo giống xuống thửa ruộng nào nữa?

Thôn trưởng đáp:
– Sau cùng họ mới cày bừa và gieo giống xuống thửa ruộng khô cằn nhất.

Phật hỏi thôn trưởng:
– Vì sao như vậy?

Thôn trưởng đáp:
– Thưa Cù-đàm, vì điền chủ không muốn bỏ phế ruộng, chỉ giữ lại hạt giống mà thôi.

Phật nói với thôn trưởng:
– Như Lai cũng vậy! Giống như thửa ruộng phì nhiêu, màu mỡ kia, các Tỳ- kheo, Tỳ-kheo-ni đệ tử của Như Lai cũng giống như vậy. Như Lai luôn vì họ mà diễn nói Chánh pháp, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa, ngôn từ chuẩn xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch.49 Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni này sau khi nghe pháp rồi thì họ sẽ nương vào nhà của Như Lai, hải đảo của Như Lai, sự che chở của Như Lai, bóng mát của Như Lai, đường lối của Như Lai. Họ luôn dùng đôi mắt thanh tịnh để noi theo Như Lai mà an trụ, lại luôn tâm niệm rằng: “Giáo pháp đức Phật tuyên thuyết, nhất định ta phải thọ trì, giúp cho ta luôn được lợi ích và sống trong an vui.”

Này thôn trưởng! Như thửa ruộng trung bình kia, các đệ tử nam cư sĩ và nữ cư sĩ của Như Lai cũng giống như vậy. Như Lai luôn vì họ mà diễn nói Chánh pháp, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch, chỉ dạy rõ ràng. Sau khi nghe pháp rồi, nam cư sĩ và nữ cư sĩ này sẽ nương vào nhà của Như Lai, hải đảo của Như Lai, sự che chở của Như Lai, bóng mát của Như Lai, đường lối của Như Lai. Họ luôn dùng đôi mắt thanh tịnh để noi theo Như Lai mà an trụ, lại luôn tâm niệm rằng: “Giáo pháp đức Phật tuyên thuyết, nhất định ta phải thọ trì, giúp cho ta luôn được lợi ích và sống trong an vui.”

Này thôn trưởng! Như thửa ruộng xấu và khô cằn kia, các ngoại đạo dị học Ni-kiền tử cũng giống như vậy. Như Lai cũng vì họ mà diễn nói Chánh pháp, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý sâu xa, ngôn từ chuẩn xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch. Tuy nhiên, trong số họ có một ít người nghe pháp thì Như Lai cũng vì họ giảng nói; nếu nhiều người nghe pháp thì Như Lai cũng vì họ mà giảng nói. Nhưng trong số những người này, đối với việc Như Lai khéo nói pháp mà có thể hiểu được ý nghĩa của một câu pháp thì cũng nhận được lợi ích lâu dài và sống trong an vui.

Bấy giờ, thôn trưởng bạch Phật:
– Kỳ diệu thay, thưa Thế Tôn! Ngài đã khéo nói thí dụ về ba loại ruộng.

Phật bảo thôn trưởng:
– Ông hãy lắng nghe Như Lai nói thêm thí dụ. Ví như một người có ba chiếc bình đựng nước. Chiếc bình thứ nhất không bị thủng, không bị hư hoại, cũng không rỉ chảy. Chiếc bình thứ hai không thủng, không bị hư hoại, nhưng có rỉ chảy. Chiếc bình thứ ba bị thủng, bị hư hoại, lại thêm bị rỉ chảy. Này thôn trưởng, ông nghĩ thế nào, trong ba chiếc bình ấy, người kia sẽ đựng nước sạch trong chiếc bình nào?

Thôn trưởng đáp:
– Thưa Cù-đàm! Người ấy trước tiên nên dùng chiếc bình không thủng, không hư hoại, không rỉ chảy để đựng nước.

Phật lại hỏi thôn trưởng:
– Kế đến người ấy nên dùng chiếc bình nào để đựng nước?

Thôn trưởng đáp:
– Thưa Cù-đàm! Kế đến nên dùng chiếc bình không thủng, không hư hoại, nhưng có rỉ chảy để đựng nước.

Phật lại hỏi thôn trưởng:
– Khi hai chiếc bình đó đã đầy nước thì sau cùng phải dùng chiếc bình nào để đựng nước?

Thôn trưởng thưa:
– Sau cùng đành phải dùng chiếc bình vừa bị thủng vừa bị hư hoại, lại vừa bị rỉ chảy để đựng nước thôi! Vì sao như vậy? Vì chỉ tạm dùng cho việc nhỏ ở trong chốc lát.

Phật bảo thôn trưởng:
– Như chiếc bình không thủng, không hư hoại và không rỉ chảy, các đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni của Như Lai cũng giống như vậy. Như Lai luôn vì họ diễn nói Chánh pháp... (cho đến) luôn luôn đem đến nhiều lợi ích, giúp họ sống trong an vui.

Như chiếc bình thứ hai, không thủng, không hư hoại, nhưng bị rỉ chảy, các đệ tử nam cư sĩ và nữ cư sĩ của Như Lai cũng giống như vậy. Như Lai luôn vì họ diễn nói Chánh pháp... (cho đến) luôn đem đến cho họ nhiều lợi ích, giúp họ sống trong an vui.

Như chiếc bình thứ ba, vừa bị thủng vừa bị hư hoại lại cũng bị rỉ chảy, các hàng ngoại đạo dị học Ni-kiền tử cũng giống như vậy. Như Lai cũng vì những người này diễn nói Chánh pháp, phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý tốt đẹp, câu chữ chính xác, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch[2] , chỉ dạy rõ ràng. Dù nhiều người hay ít người thì Như Lai cũng vì họ mà nói pháp. Tuy nhiên, trong số họ nếu có người nào hiểu được ý nghĩa một câu pháp mà Như Lai nói thì cũng được an ổn lâu dài và sống trong an vui.

Khi thôn trưởng Đao Sư Thị nghe Phật nói như vậy, trong lòng vô cùng sợ hãi, toàn thân sởn gai ốc, liền đến đảnh lễ sát chân Phật và sám hối lỗi lầm.
– Kính bạch Thế Tôn! Con thật quá si mê, không thiện lương, thiếu hiểu biết, đã nói lời không chân thật, hư ngụy dối trá đối với Thế Tôn!

Sau khi nghe Phật dạy xong, thôn trưởng Đao Sư Thị, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi rời đi.

 

Chú thích
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.915. 0230c16). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.130. 0424a05); S. 42.7 - IV. 314.

[2] Nguyên tác: Sơ trung hậu thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất mãn tịnh, Phạm hạnh thanh bạch (初中後善, 善義, 善味, 純一滿淨, 梵行清白). Xem chú thích 94, kinh số 53, quyển 2, tr. 55; tại Tạp. 雜 (T.02. 0099.53. 0012c04).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.