Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 32
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp[2] và Tôn giả Xá-lợi-phất[3] đang ở trong núi Kỳ-xà quật. Khi ấy, có rất nhiều tu sĩ ngoại đạo đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợiphất, sau khi chào hỏi nhau xong, họ ngồi sang một bên rồi nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai còn có sanh tử ở đời sau không?[4]Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Này các ngoại đạo! Thế Tôn không tuyên thuyết về điều này.
Các ngoại đạo lại hỏi:
_ Thế nào, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất? Như Lai không có sanh tử ở đời sau phải không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Này các ngoại đạo! Thế Tôn không tuyên thuyết về điều này.
Các ngoại đạo lại hỏi:
_ Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Như Lai vừa có sanh tử ở đời sau vừa không có sanh tử ở đời sau phải không?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Thế Tôn không tuyên thuyết về điều này!
Các ngoại đạo lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Như Lai chẳng phải có sanh tử ở đời sau, cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau chăng?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
_ Này các ngoại đạo! Thế Tôn không tuyên thuyết về điều này.
Các tu sĩ ngoại đạo lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Vì sao đối với những câu hỏi của chúng tôi: “Như Lai có sanh tử ở đời sau; không có sanh tử ở đời sau; vừa có sanh tử ở đời sau vừa không có sanh tử ở đời sau; chẳng phải có sanh tử ở đời sau, cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau” thì Tôn giả đều đáp: “Thế Tôn không tuyên thuyết về điều này”? Tại sao đã là một Thượng tọa mà lại mù mờ thiếu hiểu biết, không khéo biện giải, giống hệt trẻ sơ sinh chưa biết nhận thức vậy?
Nói lời này xong, các ngoại đạo liền đứng dậy bỏ đi.
Khi ấy, Tôn giả Ma-ha Ca-diếp đang ở cách Tôn giả Xá-lợi-phất không xa, mỗi vị đều ngồi bên gốc cây để tư duy thiền định thời ban ngày. Sau khi biết các tu sĩ ngoại đạo đã bỏ đi, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, thăm hỏi, khích lệ nhau xong rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất trình bày lại đầy đủ cuộc đàm luận với các tu sĩ ngoại đạo và kính thỉnh Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
_ Thưa Tôn giả Ma-ha Ca-diếp! Do nhân gì, duyên gì mà Thế Tôn không tuyên thuyết về những điều: “Như Lai có sanh tử ở đời sau; Như Lai không có sanh tử ở đời sau; Như Lai vừa có vừa không có sanh tử ở đời sau; Như Lai chẳng phải có cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau”?
Tôn giả Ma-ha Ca-diếp nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
_ Nếu nói Như Lai có sanh tử ở đời sau thì đó chính là sắc; nếu nói Như Lai không có sanh tử ở đời sau thì đó chính là sắc; nếu nói Như Lai vừa có sanh tử ở đời sau vừa không có sanh tử ở đời sau thì đó chính là sắc; nếu nói Như Lai chẳng phải có cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau thì đó chính là sắc. Với đấng Như Lai thì sắc đã diệt tận, tâm đã giải thoát hoàn toàn[5] mà cho rằng
Như Lai còn có sanh tử ở đời sau thì điều này không đúng; hoặc cho rằng Như Lai không có sanh tử ở đời sau; hoặc vừa có vừa không có sanh tử ở đời sau; hoặc chẳng phải có cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau thì những điều này đều không đúng. Với đấng Như Lai thì sắc đã diệt tận, tâm đã giải thoát hoàn toàn, rộng lớn sâu xa, vô lượng, vô số, Niết-bàn tịch diệt.
Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Nếu nói Như Lai có sanh tử ở đời sau thì đó chính là thọ, là tưởng, là hành, là thức, là chuyển động, là lo buồn, là hư dối, là hữu vi, là tham ái... (cho đến) Như Lai chẳng phải có cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau, cũng nói như vậy.
Với đấng Như Lai thì ái đã diệt tận, tâm đã giải thoát hoàn toàn mà lại nói Như Lai còn có sanh tử ở đời sau thì điều này không đúng; hoặc nói Như Lai không có sanh tử ở đời sau; hoặc vừa có vừa không có; hoặc chẳng phải có cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau, những điều này đều không đúng. Với đấng Như Lai, ái đã diệt tận, tâm đã giải thoát hoàn toàn, rộng lớn sâu xa, vô lượng, vô số, Niết-bàn tịch diệt.
Này Tôn giả Xá-lợi-phất! Vì nhân như thế, duyên như thế, cho nên khi có người hỏi Thế Tôn về việc: “Như Lai có sanh tử ở đời sau, Như Lai không có sanh tử ở đời sau, hoặc vừa có vừa không có, hoặc chẳng phải có cũng chẳng phải không có sanh tử ở đời sau”, Thế Tôn đều không tuyên thuyết.
Sau khi hai vị Tôn giả luận đạo với nhau xong, mỗi vị trở về trụ xứ của mình.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.905. 0226a13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.120. 0419a03); S. 16.12 - II. 222.
[2] Ma-ha Ca-diếp (摩訶迦葉, Mahākassapa).
[3] Xá-lợi-phất (舍利弗, Sāriputta).
[4] Nguyên tác: Như Lai hữu hậu sanh tử (如來有後生死, Hoti tathāgato parammaraṇā): Như Lai có tồn tại sau khi chết không?
[5] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Trong Tạp A-hàm, cú ngữ này còn được viết là “chánh giải thoát” (正解脫, sammāvimutta), chỉ cho việc giải thoát hoàn toàn (sammā). Trong Chú giải Kinh Gilāna (Gilānasuttavaṇṇanā), ngài Buddhaghosa giải thích rằng, “tâm thiện giải thoát” chính là quả giải thoát của bậc A-la-hán (Arahattaphalavimuttiyā vimuttacittassa).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.