Viện Nghiên Cứu Phật Học
QUYỂN 31

864. AN TRÚ THIỀN THỨ NHẤT[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Tỳ-kheo với hành, với hình, với tướng[2] mà ly dục, ly pháp ác, bất thiện, có giác có quán, chứng nghiệm hỷ lạc do ly dục sanh, an trú trọn vẹn Thiền thứ nhất. Vị ấy không nhớ nghĩ hành như vậy, hình như vậy, tướng như vậy, nhưng đối với các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì vị ấy thường tư duy như mầm bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như bị sát hại, là vô thường, là khổ, là không, chẳng có ngã. Vị ấy sanh tâm nhàm chán, lo sợ, phòng hộ đối với những pháp ấy. Do đã sanh tâm nhàm chán, lo sợ, phòng hộ rồi nên vị ấy tự mình được lợi ích với pháp môn cam lộ[3] được tịch tĩnh như vậy, được thắng diệu như vậy. Đó gọi là xả bỏ hữu dư, dứt sạch ái dục, được vô dục, diệt tận, Niết-bàn.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.864. 0219b28).

[2] Nguyên tác: Nhược hành, nhược hình, nhược tướng (若行, 若形, 若相). Theo Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.13. 0341b29), “hành” (行) ở đây chỉ cho việc duyên theo phương tiện để nhập định, như thô xấu, tịch tĩnh, bệnh tật, ung nhọt, mũi tên, vô thường...; “hình” (形) là tướng trạng, thiền tướng (nimitta) lúc sắp nhập định; “tướng” (相) là các đối tượng duyên vào đó để chuyên chú, gồm có hai: Tướng của đối tượng để duyên vào và tướng của nhân duyên.

[3] Nguyên tác: Cam lộ môn (甘露門): Cửa bất tử, chỉ cho pháp môn giải thoát.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.