Viện Nghiên Cứu Phật Học


QUYỂN 31

892. TU TẬP SÁU CĂN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có sáu căn.102 Là sáu căn nào? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn. Đây là sáu căn.

Đối với sáu pháp này mà quán sát rồi tin nhận,[2] đó gọi là Tín hành;[3] được vượt thoát, lìa súc sanh, vượt khỏi hàng phàm phu, tuy chưa đạt được quả vị Tu-đà-hoàn nhưng nếu chưa lâm chung chắc chắn đạt được quả Tuđà-hoàn.

Nếu đối với pháp này mà vun bồi trí tuệ, tư duy quán sát rồi tin nhận, đó gọi là Pháp hành;[4] được vượt thoát, lìa súc sanh, vượt khỏi hàng phàm phu, tuy chưa chứng quả vị Tu-đà-hoàn nhưng nếu chưa lâm chung chắc chắn đạt được quả vị Tu-đà-hoàn.

Đối với các pháp này mà quán sát như thật bằng chánh trí sẽ biết rõ và đoạn sạch ba kiết sử, đó là thân kiến, giới cấm thủ và nghi, đây gọi là Tu-đà-hoàn. Vị ấy quyết định không còn đọa vào đường ác, nhất định hướng đến Chánh đẳng giác, chỉ còn bảy lần sanh lại cõi trời hoặc cõi người rồi sau đó hoàn toàn vượt thoát khổ đau.

Đối với các pháp này mà quán sát như thật bằng chánh trí, không sanh khởi các lậu hoặc, lìa dục, được giải thoát, gọi là A-la-hán. Vị ấy đã dứt sạch các lậu, việc cần làm đã làm xong, đã buông bỏ các gánh nặng, đã được lợi mình, dứt sạch các hữu kiết sử, đạt được chánh trí, tâm được giải thoát hoàn toàn.[5]

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

Tương tự như kinh nói về Sáu căn, đối với Sáu trần, Sáu thức thân, Sáu xúc thân, Sáu thọ thân, Sáu tưởng thân, Sáu tư thân, Sáu ái thân, Sáu giới thân và Năm uẩn, cũng nói như trên.

***

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.892. 0224b26). Tham chiếu: S. 25.1 - III. 225. 102 Nguyên tác: Nội lục nhập xứ (內六入處). Xem chú thích 9, kinh số 276, quyển 11, tr. 316; Tạp. 雜 (T.02. 0099.276. 0073c09).

[2] Nguyên tác: Nhận (忍), tức “tín nhận” (信忍). Nhận (忍) tương đương Pāli là khanti, vừa có nghĩa kham nhẫn vừa có nghĩa là niềm tin, tương tự như chữ sadda. Tham chiếu: S. 25.1 - III. 225: Yo, bhikkhave, ime dhamme evaṃ saddahati adhimuccati - ayaṃ vuccati saddhānusārī, okkanto sammattaniyāmaṃ, sappurisabhūmiṃ okkanto, vītivatto puthujjanabhūmiṃ (Này các Tỷ-kheo, ai có lòng tin, có tín giải đối với những pháp này; vị ấy được gọi là Tùy tín hành, đã nhập Chánh tánh, đã nhập Chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa), HT. Thích Minh Châu dịch.

[3] Nguyên tác: Tùy tín hành (隨信行, Saddhānusārī). Hành giả lấy tín tâm làm căn bản để tu tập, đang trên lộ trình chuẩn bị chứng đắc quả vị Dự lưu. Tùy tín hành là vị có tín căn mạnh.

[4] Nguyên tác: Tùy pháp hành (隨法行, Dhammānusārī). Hành giả dùng trí tuệ tư duy, quán sát giáo pháp để tu tập, đã vượt khỏi địa vị phàm phu, đang trên lộ trình chứng đắc quả vị Dự lưu. Tùy pháp hành là vị có tuệ căn mạnh. Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.40. 0349b06) giải thích: Bậc lợi căn, gọi là Tùy pháp hành, hạng người này do suy tư, lý giải giáo pháp mà chứng đạo nên gọi là Tùy pháp hành (利根者名隨法行, 是人分別諸法故得道, 是名隨法行).

[5] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Trong Tạp A-hàm, cú ngữ này còn được viết là “chánh giải thoát” (正解脫, sammāvimutta), chỉ cho việc giải thoát hoàn toàn (sammā). Trong Chú giải Kinh Gilāna (Gilānasuttavaṇṇanā), ngài Buddhaghosa giải thích rằng, tâm thiện giải thoát chính là quả giải thoát của bậc A-la-hán (Arahattaphalavimuttiyā vimuttacittassa).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.