Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 31
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có Bà-la-môn nọ đi đến chỗ đức Phật, ân cần thăm hỏi Thế Tôn xong, ngồi sang một bên và nói:
_ Đây là Ba minh của Bà-la-môn! Đây là Ba minh của Bà-la-môn!
Khi ấy, Thế Tôn hỏi Bà-la-môn:
_ Thế nào là Ba minh của Bà-la-môn?
Bà-la-môn bạch Phật:
_ Thưa Cù-đàm! Cha mẹ của các Bà-la-môn đều xuất thân dòng tộc thanh tịnh, không có xen tạp, cha mẹ bảy đời kế thừa huyết thống chưa từng bị gièm pha, đời đời tiếp nối nhau, luôn làm sư trưởng, đầy đủ biện tài, thông đạt năm thể tài là: Đọc tụng các kinh điển; [biết rõ] tên gọi của vạn vật; [biết rõ] phẩm tính sai khác của vạn vật; [biết rõ] cú pháp và chữ nghĩa; [biết rõ] lịch sử xưa nay[2] rồi lại thêm dung mạo đoan chánh. Thưa Cù-đàm! Đây gọi là Ba minh của Bà-la-môn.[3]
Phật nói với Bà-la-môn:
_ Như Lai không cho rằng danh tự, ngôn thuyết là Ba minh. Trong pháp của Hiền thánh có nói đến Ba minh chân thật, đó là Ba minh chân thật theo thấy biết của Hiền thánh, theo Pháp và Luật của Hiền thánh.
Bà-la-môn bạch Phật:
_ Thưa Cù-đàm! Thế nào là Ba minh được nói theo thấy biết của Hiền thánh, theo Pháp và Luật của Hiền thánh?
Phật bảo Bà-la-môn:
_ Có ba loại minh của bậc Vô học. Là Ba minh nào? Đó là trí hiểu rõ tường tận về kiếp sống quá khứ của bậc Vô học; trí hiểu rõ tường tận về cảnh giới sanh tử của bậc Vô học và trí hiểu rõ tường tận về việc diệt trừ tất cả lậu hoặc của bậc Vô học... (nói rộng như kinh 885 trên).
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tất cả pháp vô thường,
Trì giới, thiền tịch tịnh,
Biết mọi việc đời trước,
Sanh cõi trời, đường ác.
Sạch sanh tử, phiền não,
Là Minh của Mâu-ni,
Biết khắp, tâm giải thoát,
Hết thảy tham, sân, si,
Là Ba minh Ta nói,
Chẳng phải trên ngôn ngữ.
– Này Bà-la-môn! Đây là Ba minh được nói theo Pháp và Luật của Hiền thánh.
Bà-la-môn bạch Phật:
– Thưa Cù-đàm! Đây là Ba minh chân thật.
Sau khi nghe đức Phật dạy xong, Bà-la-môn liền hoan hỷ và tùy hỷ rồi đứng dậy rời đi.
***
Chú thích
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.886. 0223c13).
[2] Nguyên tác: Tụng chư kinh điển, vật loại danh tự, vạn vật sai phẩm, tự loại phân hợp, lịch thế bổn mạt, thử ngũ chủng ký (誦諸經典, 物類名字, 萬物差品, 字類分合, 歷世本末, 此五種記). Tham chiếu:Ngũ cú thuyết (五句說) trong Tỳ-bà-lăng-kỳ kinh 鞞婆陵耆經 (T.01. 0026.63. 0499a09): Nhân, duyên, chánh, văn, hý, ngũ cú thuyết (因, 緣, 正, 文, 戲, 五句說). M. 91 cũng đề cập về 5 thể tài mà một vị Bà-la-môn cần phải tinh thông mới được gọi là Bà-la-môn thông đạt Tam minh. Năm thể tài bao gồm: Sanighaṇḍukeṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsapañcamānaṃ (Danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm), HT. Thích Minh Châu dịch.
[3] Ba tiêu chuẩn để thành tựu một bậc Bà-la-môn cao quý: Thứ nhất, huyết thống dòng họ đều thanh tịnh; thứ hai, thông đạt 5 thể tài; thứ ba, dung mạo đoan chánh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.