Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05

KINH TẠP A-HÀM
(雜阿含經
)


QUYỂN 31

885. BA MINH CỦA BẬC VÔ HỌC (2)[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

_ Bậc Vô học có Ba minh. Là Ba minh nào? Trí hiểu rõ tường tận về kiếp sống quá khứ của bậc Vô học, trí hiểu rõ tường tận về cảnh giới sanh tử của bậc Vô học và trí hiểu rõ tường tận về việc dứt trừ tất cả lậu hoặc của bậc Vô học.

Thế nào là trí hiểu rõ tường tận về kiếp sống quá khứ của bậc Vô học? Nghĩa là vị Thánh đệ tử biết rõ mọi việc trong đời trước, từ một đời cho đến trăm, ngàn, vạn, ức đời, cho đến số kiếp thành, kiếp hoại. Biết rõ đời trước của ta và các chúng sanh có tên như vậy, sanh ra như vậy, dòng họ như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ vui như vậy, được tuổi thọ như vậy, được sống lâu như vậy, chịu thân phận như vậy. Biết rõ ta và chúng sanh chết ở nơi này, sanh ra nơi khác, chết ở nơi khác, sanh ra nơi này, tạo tác như vậy, gieo nhân như vậy, có niềm tin như vậy. Tất cả các việc đã trải qua trong đời trước thảy đều biết rõ. Đây gọi là trí hiểu rõ tường tận về kiếp sống quá khứ của bậc Vô học.

Thế nào là trí hiểu rõ tường tận về cảnh giới sanh tử? Nghĩa là Thánh đệ tử bằng thiên nhãn thanh tịnh biết rõ như thật các chúng sanh lúc chết đi, lúc sanh ra, đẹp xấu, giàu sang, nghèo hèn, rơi vào đường ác... tùy theo hành nghiệp mà thọ sanh. Biết như thật rằng như chúng sanh này thân đã tạo nghiệp ác, miệng đã tạo nghiệp ác, ý đã tạo nghiệp ác, phỉ báng Hiền thánh, tin theo tà kiến, do nhân duyên này nên sau khi lâm chung rơi vào ba đường ác; còn như chúng sanh này thân làm việc thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện, không phỉ báng Hiền thánh, thành tựu chánh kiến nên sau khi lâm chung sanh vào cõi lành, được sanh lên cõi trời hoặc ở cõi người. Đây gọi là trí hiểu rõ tường tận về cảnh giới sanh tử.

Thế nào là trí hiểu rõ tường tận về sự dứt trừ lậu hoặc? Nghĩa là Thánh đệ tử biết như thật đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy nên tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu, được tri kiến giải thoát và tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đây gọi là trí hiểu rõ tường tận về việc diệt trừ tất cả lậu hoặc.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Quán biết rõ kiếp trước,
Sanh đường ác, cõi trời,
Sanh tử, lậu dứt rồi,
Đó là minh của Phật.
Tâm kia được thoát khỏi,
Tất cả mọi tham ái,
Ba việc đều thông suốt,
Nên gọi là Ba minh.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.885. 0223b12). Tham chiếu: A. 3.58 - I. 163; A. 3.59 - I. 166.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.