Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 31
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Ví như muôn loài cỏ cây, thảo dược đều nương vào đất mà sanh trưởng; cũng vậy, tất cả mọi pháp lành đều nhờ vào không buông lung làm nền tảng... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loại hương thơm thì hương của hắc trầm thủy[2] là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả mọi pháp lành thì không buông lung là hơn cả.
Ví như trong tất cả các loại hương thơm bền lâu thì hương xích chiên-đàn[3] là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả mọi pháp lành thì nương vào không buông lung làm nền tảng... (nói như vậy, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loài hoa sanh trưởng trong nước thì hoa sen xanh là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả mọi pháp lành đều lấy không buông lung làm căn bản... (cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loài hoa sanh trưởng trên đất liền thì hoa Ma-lợi-sa[4] là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (cho đến) được Niết-bàn.
Này các Tỳ-kheo! Ví như trong tất cả dấu chân của loài thú thì dấu chân của loài voi là lớn nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loài thú thì sư tử là bậc nhất, vì nó là vua trong loài thú; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả nhà cửa, lầu gác thì cây đòn dông là quan trọng hơn hết; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả.
Ví như trong tất cả các loại quả ở cõi Diêm-phù, chỉ có quả có tên gọi Diêm-phù65 là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả.
Ví như trong tất cả các loại cây thuộc họ Câu-tỳ-đà-la[5] thì cây Tát-bà-dachỉ-la Câu-tỳ-đà-la là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong các ngọn núi thì núi Tu-di là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loại vàng thì vàng của cõi Diêm-phù-đề là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loại y phục thì y phục bằng vải Già-thi67 là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loại màu sắc thì màu trắng là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các loài chim thì chim cánh vàng là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các vị vua thì vua Chuyển Luân Thánh Vương là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các Thiên vương thì Tứ Đại Thiên Vương là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba thì Đế-thích là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong cõi trời Diệm-ma thì Thiên vương Túc-diệm-ma là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong cõi trời Đâu-suất-đà thì Thiên vương Đâu-suất-đà là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong cõi trời Hóa Lạc thì Thiên vương Thiện Hóa Lạc là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại thì Thiên vương Tha Hóa Tự Tại là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong cõi Phạm thiên thì Thiên vương Đại Phạm là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như tất cả các dòng sông ở Diêm-phù-đề đều chảy xuôi về biển cả thì biển cả là bậc nhất, vì nó dung nạp tất cả; cũng vậy, tất cả các pháp lành đều thuận theo không buông lung... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như tất cả các giọt mưa đều đổ về biển cả; cũng vậy, tất cả các pháp lành đều xuôi dòng về biển không buông lung... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các hồ nước thì hồ A-nậu-đại là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là bậc nhất... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các con sông ở cõi Diêm-phù-đề thì có bốn con sông lớn bậc nhất đó là sông Hằng, sông Tân-đầu, sông Bác-xoa và sông Tư-đà; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là bậc nhất... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như ánh sáng của các tinh tú thì ánh sáng của mặt trăng là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong số các chúng sanh có thân hình to lớn thì loài a-tu-la La-hầula là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong các hạng được hưởng niềm vui năm dục thì Vua Đảnh Sanh là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong các thần lực ở cõi dục thì thần lực của Thiên ma Ba-tuần[6] là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả chúng sanh, từ loài không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, cho đến loài có hình sắc, loài không có hình sắc, loài có tưởng, loài không có tưởng, loài chẳng phải có tưởng chẳng phải không có tưởng thì Như Lai là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các pháp từ hữu vi cho đến vô vi thì pháp lìa tham dục là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các pháp chúng thì chúng của Như Lai là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Ví như trong tất cả các cảnh giới khổ hạnh, Phạm hạnh thì cảnh giới bậc Thánh là bậc nhất; cũng vậy, trong tất cả các pháp lành thì không buông lung là căn bản hơn cả... (nói tương tự như trên, cho đến) được Niết-bàn.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.882. 0221c23). Tham chiếu: Dụ kinh 喻經 (T.01. 0026.141. 0647b18); S. 49.13-22 - V. 245.
[2] Hắc trầm thủy (黑沈水), một phần đặc biệt trong lõi cây trầm, chìm trong nước, có màu đen và rất thơm.
[3] Nguyên tác: Xích chiên-đàn (赤栴檀, lohitacandana), một thứ gỗ thơm, tức là cây chiên-đàn đỏ.
[4] Ma-lợi-sa (摩利沙) còn gọi là Mạt-lợi, Mạt-la (Mallikā). 65 Diêm-phù (閻浮, Jambu), quả có màu đỏ tía, vị chua.
[5] Nguyên tác: Câu-tỳ-đà-la (俱毘陀羅, Koviḷāra), một loại cây thuộc họ hắc đàn hương (黒檀). 67 Già-thi (伽尸, Kāsi), một trong 16 vương quốc lớn thời Phật, nơi sản xuất vải danh tiếng.
[6] Nguyên tác: Thiên ma Ba-tuần (天魔波旬): Ma vương tên Ba-tuần ở tầng trời Tha Hóa Tự Tại của cõi Dục, thường nhiễu loạn sự tu tập của đức Thế Tôn.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.