Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 31
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Có bốn nỗ lực chân chánh. Những gì là bốn? Một là nỗ lực đoạn trừ. Hai là nỗ lực phòng hộ. Ba là nỗ lực gìn giữ. Bốn là nỗ lực vun bồi.
Thế nào là nỗ lực đoạn trừ? Nghĩa là Tỳ-kheo đối với pháp ác và bất thiện đã sanh khởi thì phải đoạn trừ, lại phải khởi tâm ước muốn, nỗ lực, tinh cần và nhiếp tâm gìn giữ; đối với pháp ác và bất thiện chưa sanh khởi thì không để sanh khởi, lại phải khởi tâm ước muốn, nỗ lực, tinh cần và nhiếp tâm gìn giữ; đối với pháp thiện chưa sanh khởi thì khiến cho sanh khởi, lại phải khởi tâm ước muốn, nỗ lực, tinh cần và nhiếp tâm gìn giữ; đối với pháp thiện đã sanh khởi thì càng thêm tu tập khiến cho tăng trưởng, lại phải khởi tâm ước muốn, nỗ lực, tinh cần và nhiếp tâm gìn giữ, đây gọi là nỗ lực đoạn trừ.
Thế nào là nỗ lực phòng hộ? Nghĩa là Tỳ-kheo khéo phòng hộ căn mắt, đóng kín, chế ngự, hướng thượng; đối với các căn là tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng giống như vậy, khéo phòng hộ, đóng kín, chế ngự, hướng thượng, đây gọi là nỗ lực phòng hộ.
Thế nào là nỗ lực gìn giữ? Nghĩa là Tỳ-kheo phải khéo bảo hộ và gìn giữ đối với các tướng tam-muội chân thật kia; nghĩa là tu tập quán sát tướng tử thi xanh bầm, tướng tử thi sình trướng, tướng tử thi chảy mủ, tướng tử thi thịt tan rã, tướng tử thi thú ăn chưa hết còn vương vãi, cần phải tu tập và bảo hộ, không để thoái thất, đây gọi là nỗ lực gìn giữ.
Thế nào là nỗ lực vun bồi? Nghĩa là Tỳ-kheo tu tập bốn niệm xứ, v.v... Đây gọi là nỗ lực vun bồi.
Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:
Đoạn trừ và phòng hộ,
Gìn giữ và vun bồi,
Bốn pháp nỗ lực này,
Là điều Chánh Giác dạy,
Tỳ-kheo siêng tu tập,
Các lậu sẽ dứt sạch.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Giống như kinh nói về Bốn nỗ lực chân chánh,[2] đối với kinh nói về Bốn niệm xứ, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chi Thánh đạo, Bốn đạo, Bốn pháp cú, Chánh quán tu tập, cũng nói tương tự như vậy.
***
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.879. 0221b16). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0150A.11. 0877b27); A. 4.14 - II. 16.
[2] Nguyên tác: Như tứ niệm xứ, như thị, tứ chánh đoạn (如四念處, 如是, 四正斷). Đoạn này có thể bản Hán chép nhầm, bản dịch đã sửa lại căn cứ vào nội dung kinh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.