Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 

837. TIN NGƯỜI VÀ TIN TĂNG13

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu chỉ tin vào một người14 thì sẽ phát sanh năm lỗi.

Khi người được kính tin hoặc phạm giới, hoặc trái luật nghi nên bị chúng Tăng từ bỏ thì người kính tin vị kia sẽ nghĩ rằng: “Đây là thầy ta, được ta kính trọng mà bị chúng Tăng từ bỏ, nay ta còn lý do gì để vào chùa của chúng Tăng?” Khi đã không vào chùa rồi thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không cung kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm và không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ nhất phát sanh do chỉ tin vào một người.

Lại nữa, vì chỉ kính tin vào một người nên khi người được kính tin trái phạm giới luật, bị chúng Tăng cử tội “không nhận lỗi”15 thì người kính vị kia liền suy nghĩ: “Đây là thầy ta, được ta kính trọng mà bị chúng Tăng cử tội ‘không nhận lỗi.’ Nay ta còn lý do gì để vào chùa nữa?” Khi đã không vào chùa rồi thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không cung kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm và không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ hai phát sanh do chỉ tin vào một người.

Lại nữa, nếu vị được kính tin đắp y, ôm bát du hành phương khác thì người kính tin vị kia sẽ suy nghĩ: “Người được ta kính trọng đã đắp y, ôm bát du hành trong nhân gian thì nay ta còn lý do gì để vào chùa nữa?” Khi đã không vào chùa rồi thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không cung kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm và không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ ba phát sanh do chỉ tin vào một người.

Lại nữa, nếu vị được kính tin xả giới, hoàn tục thì người kính tin vị kia sẽ suy nghĩ: “Vị ấy là thầy ta, được ta kính trọng, nay đã xả giới và hoàn tục, vậy thì ta còn lý do gì để vào chùa nữa?” Khi đã không vào chùa rồi thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không cung kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm và không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ tư phát sanh do chỉ tin vào một người.

Lại nữa, khi vị được kính tin viên tịch thì người kính tin vị kia sẽ suy nghĩ: “Vị ấy là thầy ta, được ta kính trọng, nay đã viên tịch rồi thì ta còn lý do gì để vào chùa nữa?” Khi đã không vào chùa rồi thì người này sẽ không cung kính chúng Tăng. Vì không cung kính chúng Tăng nên không còn được nghe pháp. Do không còn nghe pháp nên pháp lành bị suy giảm và không được an trụ lâu dài trong Chánh pháp. Đó gọi là lỗi lầm thứ năm phát sanh do chỉ tin vào một người.

Vì thế, này các Tỳ-kheo! Các thầy nên học tập như vầy: “Ta sẽ thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và đối với Thánh giới.”

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

.*** 

Chú thích:

13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.837. 0214b20). Tham chiếu: A. 5.250 - III. 270.
14 Nguyên tác: Nhược tín nhân giả (若信人者). A. 5.250 - III. 270: Puggalappasāda (Tin vào một cá nhân, tin vào một người). Bản Hán chưa rõ nên y cứ theo bản Pāli tương đương.
15 Nguyên tác: Bất kiến (不見). Tỳ-kheo phạm tội nhưng ngoan cố không tự thừa nhận, Tăng tác pháp yết-ma bất kiến tội. Xem thêm Tạp. 雜 (T.02. 0099.497. 0129b25).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.