Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có ưu-bà-tắc Nan-đề67 đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn! Nếu trong tất cả các thời mà vị Thánh đệ tử không thành tựu năm căn68 này thì gọi là buông lung hay không buông lung?
Đức Phật bảo Nan-đề:
– Nếu trong tất cả các thời mà không thành tựu năm căn này thì Ta cho rằng những người ấy thuộc hạng phàm phu. Nếu như vị Thánh đệ tử không thành tựu thì gọi là buông lung, chứ chẳng phải không buông lung.
Này Nan-đề! Vị Thánh đệ tử thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển69 đối với Phật mà không mong cầu hướng thượng, không ở trong rừng vắng hoặc ngồi nơi đồng trống ngày đêm thiền tọa tư duy, siêng năng tu tập hạnh xuất ly thắng diệu và hạnh tùy hỷ lợi ích; bởi do không tùy hỷ nên hoan hỷ không sanh, do hoan hỷ không sanh nên thân không khinh an, do thân không khinh an nên cảm giác đau khổ sanh, do cảm giác đau khổ sanh nên tâm không đắc định, do tâm không đắc định nên vị Thánh đệ tử ấy bị cho là buông lung.
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử đối với Pháp, đối với Tăng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, và thành tựu Thánh giới cũng nói như thế.
Như vậy, này Nan-đề! Vị Thánh đệ tử thành tựu niềm tin thanh tịnh không lay chuyển đối với Phật, tâm không khởi tự mãn, thường ở trong rừng vắng hoặc nơi đất trống, bên cội cây ngày đêm thiền tọa tư duy, nỗ lực tinh cần, có thể khởi phát xuất ly thắng diệu và được tùy hỷ; do đã tùy hỷ nên sanh hoan hỷ, do hoan hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên cảm nhận thọ lạc, do cảm nhận thọ lạc nên tâm đắc định, vị Thánh đệ tử có tâm đã đắc định nên được cho là không buông lung.
Cũng vậy, vị Thánh đệ tử đối với Pháp, đối với Tăng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, và thành tựu Thánh giới cũng nói như thế.
Đức Phật giảng kinh này rồi, ưu-bà-tắc Nan-đề nghe xong hoan hỷ và tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật rồi lui ra.
Chú thích:
66 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.855. 0217c18). Tham chiếu: S. 55.40 - V. 397.
67 Nan-đề (難提, Nandiya).
68 Nguyên tác: Ngũ căn (五根) gồm tín, tấn, niệm, định và huệ. Đoạn kinh này nhấn mạnh mối liên hệ giữa việc thực hành tứ Dự lưu chi và việc thành tựu ngũ căn, như kinh Tạp. 雜 (T.02. 0099.848. 0216b06); Tạp. 雜 (T.02. 0099.849. 0216c17) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.850. 0217a02) đề cập một phần.
69 Bất hoại tịnh (不壞淨, aveccappasāda). Xem chú thích 10, kinh số 344, quyển 14, tr. 397; Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094b02).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.