Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Phồn-kỳ-ca,62 thôn Na-lê-ca.63
Bấy giờ, trong thôn Na-lê-ca có nhiều người qua đời. Khi ấy, các Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thôn Na-lê-ca khất thực, nghe tin tại thôn này có các ưu-bà tắc Kế-ca-xá, Ni-ca-tra, Khư-lăng-ca-la, Ca-đa-lê-sa-bà, Xà-lộ, Ưu-bà-xà-lộ, Lợi-sắc-tra, A-lợi-sắc-tra, Bạt-đà-la, Tu-bạt-đà-la, Da-xá-da-du-đà, Da-xá-uất đa-la đều đã qua đời. Nghe vậy rồi, các Tỳ-kheo quay về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
– Bạch Thế Tôn! Sáng sớm nay Tỳ-kheo chúng con vào thôn Na-lê-ca khất thực, nghe tin ưu-bà-tắc Kế-ca-xá và nhiều người khác đã qua đời. Bạch Thế Tôn! Những vị ấy sau khi lâm chung sẽ sanh về nơi nào?
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Kế-ca-xá và những vị kia đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, chứng quả A-na-hàm, được sanh lên cõi trời rồi nhập Bát-niết-bàn ở đó, không còn sanh lại cõi đời này nữa.
Các Tỳ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn! Lại có hơn hai trăm năm mươi ưu-bà-tắc đã qua đời, lại có năm trăm ưu-bà-tắc ở thôn Na-lê-ca này cũng đã qua đời, có phải họ đều đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, chứng quả A-na-hàm, được sanh lên cõi trời kia rồi nhập Bát-niết-bàn ở đó, không còn sanh lại cõi đời này nữa chăng?
Lại có hơn hai trăm năm mươi ưu-bà-tắc qua đời, có phải họ đều đã đoạn sạch ba kiết sử,64 đã giảm thiểu tham, sân, si, đắc quả Tư-đà-hàm, chỉ còn một lần tái sanh rồi sẽ chấm dứt khổ đau chăng?
Bạch Thế Tôn! Ở thôn Na-lê-ca này cũng có năm trăm ưu-bà-tắc đã qua đời. Có phải những người này đã đoạn sạch ba kiết sử, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa nơi đường ác, nhất định hướng đến giác ngộ, sau bảy lần qua lại cõi trời, cõi người sẽ chấm dứt khổ đau chăng?
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo! Các thầy cứ mãi chạy theo chuyện người này qua đời, người kia qua đời mà hỏi như vậy thì quả thật uổng công, vô ích. Vì chúng chẳng phải là điều Như Lai mong muốn giải đáp. Hễ có sanh thì có tử, có gì lạ đâu? Dù Như Lai xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời thì pháp tánh vẫn thường trụ. Điều mà Như Lai tự biết khi thành Đẳng Chánh Giác và muốn hiển bày, diễn thuyết, phân biệt, khai thị đó là: Do cái này có nên cái kia có, do cái này khởi nên cái kia khởi, tức do duyên vô minh nên có hành... (cho đến) do duyên sanh nên có già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não, như vậy là sự tập khởi của khối khổ đau. Do vô minh diệt nên hành diệt... (cho đến) do sanh diệt nên già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não diệt, như vậy là diệt trừ của khối khổ đau.
Nay Ta sẽ vì các thầy mà nói Kinh gương pháp, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ nói cho các thầy nghe. Thế nào là Kinh gương pháp? Đó là vị Thánh đệ tử đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển,65 và thành tựu Thánh giới.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
61 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.854. 0217b14). Tham chiếu: S. 55.10 - V. 358.
62 Phồn-kỳ-ca (繁耆迦, Giñjakāvasatha).
63 Na-lê-ca (那梨迦, Nātika).
64 Nguyên tác: Tam kiết (三結, tīṇi saṃyojanāni), gồm: (i) Thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), (ii) Giới cấm thủ (戒禁取, sīlabbataparāmāsa), (iii) Nghi (疑, vicikicchā).
65 Bất hoại tịnh (不壞淨, aveccappasāda). Xem chú thích 10, kinh số 344, quyển 14, tr. 397; Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094b02).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.