Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bốn con đường sanh thiên. Là bốn con đường nào? Vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ đến những phẩm tính của Như Lai42 như vầy: Đức Như Lai là bậc Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Đối với những phẩm tính đó của Như Lai, vị ấy sanh tâm hoan hỷ, do hoan hỷ nên tâm hân hoan, do hân hoan nên thân khinh an, do khinh an nên cảm nhận thọ lạc, do cảm nhận thọ lạc nên đạt định tam-muội. Khi đạt định tam-muội rồi, vị Thánh đệ tử nên học như vầy: “Thế nào là con đường sanh thiên?” Rồi lại nghĩ như vầy: “Ta từng nghe không sân hận là con đường sanh thiên tối thượng.” Rồi lại suy nghĩ: “Từ nay trở đi, ở thế gian này, dù gặp lo sợ hay an ổn, ta cũng không khởi sân hận, chỉ thọ trì con đường sanh thiên thuần nhất, thanh tịnh tròn đầy.” Đó gọi là con đường sanh thiên thứ nhất, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, chúng sanh đã thanh tịnh càng thanh tịnh hơn.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Vị Thánh đệ tử nhớ nghĩ đến những phẩm tính của Pháp như vầy: Giáo pháp được Như Lai thuyết giảng thiết thực hiện tại, lìa mọi nóng bức, không đợi thời gian, dẫn đến Niết-bàn và được người trí tự mình giác hiểu.43 Đối với những phẩm tính của Pháp, vị ấy biết như vậy rồi sanh tâm hoan hỷ, do hoan hỷ nên tâm hân hoan, do hân hoan nên thân khinh an, do khinh an nên cảm nhận thọ lạc, do cảm nhận thọ lạc nên đạt định tam-muội. Khi đạt định tam-muội rồi, vị Thánh đệ tử nên học như vầy: “Thế nào là con đường sanh thiên?” Rồi lại nghĩ như vầy: “Ta từng nghe không sân hận là con đường sanh thiên tối thượng.” Rồi lại suy nghĩ: “Từ nay trở đi, ở thế gian này, dù gặp lo sợ hay an ổn, ta cũng không khởi sân hận, chỉ thọ trì con đường sanh thiên thuần nhất, thanh tịnh tròn đầy.” Đó gọi là con đường sanh thiên thứ hai.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Đối với những phẩm tính của Tăng, vị ấy khởi chánh niệm như vầy: Tăng là đệ tử của Thế Tôn, là bậc hướng về chân chánh, hướng theo chân lý, hướng đến thích hợp,44 là ruộng phước vô thượng, xứng đáng để cung kính, tôn trọng, cúng dường. Đối với những phẩm chất của Tăng, vị ấy nhớ nghĩ như vậy nên tâm sanh hoan hỷ, do hoan hỷ nên tâm hân hoan, do hân hoan nên thân khinh an, do khinh an nên cảm nhận thọ lạc, do cảm nhận thọ lạc nên đạt định tam-muội. Khi đạt định tam-muội rồi, vị Thánh đệ tử nên học như vầy: “Thế nào là con đường sanh thiên?” Rồi lại nghĩ như vầy: “Ta từng nghe không sân hận là con đường sanh thiên tối thượng.” Rồi lại suy nghĩ: “Từ nay trở đi, ở thế gian này, dù gặp lo sợ hay an ổn, ta cũng không khởi sân hận, chỉ thọ trì con đường sanh thiên thuần nhất, thanh tịnh tròn đầy.” Đó gọi là con đường sanh thiên thứ ba.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Vị Thánh đệ tử tự nhớ nghĩ về những giới luật mà mình đã thọ. Đối với giới luật này, giới của ta không bị khiếm khuyết, không bị vẩn đục, không có tạp nhiễm nên được bậc minh trí tán thán, không bị người trí chán ghét. Đối với những giới luật như vậy, vị ấy chân chánh nhớ nghĩ nên tâm sanh hoan hỷ, do hoan hỷ nên tâm hân hoan, do hân hoan nên thân khinh an, do khinh an nên cảm nhận thọ lạc, do cảm nhận thọ lạc nên đạt định tam-muội. Khi đạt định tam-muội rồi, vị Thánh đệ tử nên học như vầy: “Thế nào là con đường sanh thiên?” Rồi lại nghĩ như vầy: “Ta từng nghe không sân hận là con đường sanh thiên tối thượng.” Rồi lại suy nghĩ: “Từ nay trở đi, ở thế gian này, dù gặp lo sợ hay an ổn, ta cũng không khởi sân hận, chỉ thọ trì con đường sanh thiên thuần nhất, thanh tịnh tròn đầy.” Đó gọi là con đường sanh thiên thứ tư, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, chúng sanh đã thanh tịnh càng thanh tịnh hơn.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
.***
Chú thích:
39 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.847. 0215a28). Tham chiếu: S. 55.34 - V. 392.
40 Nguyên tác: Chư thiên thiên đạo (諸天天道, devānaṃ devapadāni).
41 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.848. 0216b06). Tham chiếu: S. 55.35 - V. 393.
42 Nguyên tác: Niệm Như Lai sự (念如來事). Sự (事) ở đây có thể hiểu là toàn bộ những công hạnh của đức Phật, gọi chung là phẩm tính. S. 55.35 - V. 393: Buddhānussati (tùy niệm Phật). 43 Nguyên tác: Hiện pháp ly chư xí nhiên, bất đãi thời tiết, thông đạt Niết-bàn, tức thân quán sát, duyên tự giác tri (現法離諸熾然, 不待時節, 通達涅槃, 即身觀察, 緣自覺知). Xem chú thích 59, kinh số 550, quyển 20, tr. 610; Tạp. 雜 (T.02. 0099.550. 0143b18).
44 Nguyên tác: Chánh trực đẳng hướng (正直等向). Cú ngữ này là thể rút ngọn của 3 yếu tố, gồm: “Chánh hướng” (正向, ujuppaṭipanna), hướng về sự chân chánh; “trực hướng” (直向, ñāyappaṭipanna), hướng theo chân lý, tên gọi khác chỉ cho Thánh đạo 8 chi; “đẳng hướng” (等向, sāmīcippaṭipanna), hướng về sự đúng đắn. Có quan điểm cho rằng, hướng đến sự bình đẳng.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.