Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 

843. ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHẬP LƯU29

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Nói về lưu,30 thế nào là lưu?

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Như Thế Tôn đã dạy, lưu tức là Thánh đạo tám chi.

Thế Tôn lại hỏi:

– Nói Nhập lưu,31 làm thế nào để Nhập lưu?

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

– Bạch Thế Tôn! Có bốn yếu tố dẫn đến Nhập lưu. Những gì là bốn? Đó là thân cận thiện trí thức,32 nghe Chánh pháp, tư duy chân chánh, tuần tự thực hành theo pháp.33

Đức Phật lại hỏi:

– Bậc Nhập lưu34 thành tựu bao nhiêu pháp?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bậc Nhập lưu phải thành tựu bốn pháp. Là bốn pháp nào? Đó là đối với Phật có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, đối với Pháp có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, đối với Tăng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, và thành tựu Thánh giới.

Đức Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Đúng như lời thầy nói, lưu tức là Thánh đạo tám chi. Có bốn yếu tố dẫn đến Nhập lưu: Gần gũi thiện tri thức, nghe Chánh pháp, tư duy chân chánh, tuần tự thực hành theo pháp. Bậc Nhập lưu thành tựu bốn pháp, đó là đối với Phật có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, đối với Pháp có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, đối với Tăng có niềm tin thanh tịnh không lay chuyển, và thành tựu Thánh giới.

Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe lời Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

.*** 

Chú thích:

29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.843. 0215b15). Tham chiếu: S. 55.5 - V. 347.
30 Lưu (流, sota), nghĩa đen là dòng nước. Phật giáo mượn ý nghĩa này để chỉ cho dòng Thánh.
31 Nguyên tác: Nhập lưu phần (入流分, Sotāpattiyaṅgaṃ): Nhập lưu hay Dự lưu, tức dự vào dòng Thánh.
32 Nguyên tác: Thiện nam tử (善男子, sappurisa). Bản Tống, Nguyên, Minh ghi là “thiện tri thức” (善 知識). Xem A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異門足論 (T.26. 1536.06. 0393a11): Bốn yếu tố đưa đến Dự lưu gồm, thân cận thiện sĩ, thính văn Chánh pháp, như lý tác ý và pháp tùy pháp hành.
33 Nguyên tác: Pháp thứ pháp hướng (法次法向, dhammānudhammappaṭipanna), còn được dịch là “hướng pháp thứ pháp” (向法次法), “thuận pháp thứ pháp” (顺法次法).
34 Nguyên tác: Nhập lưu giả (入流者, Sotāpanno).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.